Tháng trước, 6 chuyên gia y tế Trung Quốc bước xuống máy bay của Air Serbia ở Belgrade, Serbia. Tổng thống Aleksandar Vucic và các bộ trưởng nội các trải thảm đỏ để chào đón. Sau đó là nghi thức chào hỏi bằng cách chạm khuỷu tay và hôn cờ Serbia, tiếp đến là Trung Quốc.
Tại Serbia, một trong những đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc ở châu Âu, và một số quốc gia khác, Trung Quốc đang cung cấp hướng dẫn để giúp các nước chiến đấu với virus corona.
Bài viết của Reuters nhận định đây là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh để khẳng định vai trò lãnh đạo toàn cầu trong cuộc chiến với Covid-19, đại dịch bùng phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia phương Tây lo ngại những biện pháp ngoại giao thời dịch này có thể khiến các nước quên đi việc chính phủ Trung Quốc đã chậm trễ và bị cáo buộc giấu dịch trong thời gian đầu dịch bệnh xuất hiện ở Vũ Hán, dẫn đến sự bùng nổ ca nhiễm sau đó.
Tranh thủ cơ hội
Theo Reuters, những nỗ lực của Bắc Kinh xuất hiện khi các chính phủ phương Tây đang vật lộn với sự bùng phát mạnh của đại dịch Covid-19. Chúng cũng là một phần trong nỗ lực lâu dài của Trung Quốc nhằm đạt được vị thế một cường quốc “nhân từ”, bù đắp những lo ngại về sức mạnh kinh tế và quân sự đang gia tăng của họ.
“Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc đang tận dụng Covid-19 để tiếp tục những gì mà họ coi là hành động vì lợi ích quốc gia. Điều này sẽ bao gồm thúc đẩy mô hình quản trị của họ, trong trường hợp này là phương pháp quản lý dịch tễ”, Gordon Houlden, cựu nhà ngoại giao Canada, hiện là giám đốc Viện Trung Quốc, Đại học Alberta, nói.
Một tấm bảng quảng cáo đăng hình ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kèm theo dòng chữ "cảm ơn ông Tập". Ảnh: Reuters. |
Phương pháp đó dựa trên các tiếp cận mạnh mẽ và toàn diện mà Trung Quốc đã thực hiện để chống lại virus, bao gồm việc phong tỏa hoàn toàn Vũ Hán và bí quyết mà họ đã xây dựng, khi là quốc gia đầu tiên phải đối phó với dịch bệnh.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc không lập tức phản hồi yêu cầu bình luận.
Zhao Lijian, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói trong cuộc họp báo hôm 9/4, rằng mục đích của việc gửi các đội y tế ra nước ngoài là nhằm chia sẻ kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc chống lại dịch bệnh, không phải là xuất khẩu mô hình quản trị.
Ngoài Serbia, Bắc Kinh đã gửi các đội y tế đến Campuchia, Iran, Iraq, Lào, Pakistan, Venezuela và Italy - quốc gia G7 duy nhất tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường và là nơi đang bị tàn phá nặng nề bởi virus.
Tuần trước, một đội y tế gồm 12 người đã đến Philippines để hỗ trợ nước này chống lại dịch bệnh.
Trên cả việc quyên góp hoặc bán vật tư y tế cho khoảng 90 quốc gia, bao gồm Mỹ, sự giúp đỡ của Trung Quốc còn bao gồm nhiều hội nghị trực tuyến với các quốc gia và tổ chức quốc tế để chia sẻ bí quyết chống dịch, theo Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Trung Quốc.
“Chúng tôi hy vọng các quốc gia khác sẽ không lặp lại bi kịch của Trung Quốc”, Peng Zhiqiang, chuyên gia từ Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh tỉnh Quảng Đông, người đứng đầu nhóm chuyên gia y tế Trung Quốc ở Serbia, nói từ Belgrade.
Mô hình Trung Quốc giúp ngăn chặn lây lan
Các đội y tế Trung Quốc đang tư vấn cho một số nước xây dựng các bệnh viện dã chiến, tương tự cách họ đã làm ở Vũ Hán. Áp dụng các biện pháp quản lý dịch bệnh như các biện pháp đã giúp Trung Quốc kiểm soát được sự lây lan trong cộng đồng, theo ông Peng và Liang Wenbin, thành viên đội y tế mà Trung Quốc cử đến Campuchia vào tháng trước.
Những biện pháp khác bao gồm kiểm dịch hoặc cách ly những người có triệu chứng nhẹ để hạn chế sự lây lan sớm của virus, chia sẻ phác đồ điều trị các biến chứng và kiểm tra thân nhiệt rộng rãi để ngăn virus lây lan vào cộng đồng.
Tổng thống Serbia và các quan chức nội các chào đón nhóm chuyên gia y tế đến từ Trung Quốc. Ảnh: CEFR. |
Theo lời khuyên của các chuyên gia y tế Trung Quốc, Serbia bắt đầu cách ly những người có triệu chứng nhẹ và triển khai quân đội để xây dựng bệnh viện dã chiến cho những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ.
“Chúng tôi đã thay đổi cách tiếp cận và với sự hỗ trợ của các chuyên gia y tế Trung Quốc, chúng tôi đã xét nghiệm rộng rãi hơn đã giúp làm chậm sự lây lan của virus. Chúng tôi đã chấp nhận mô hình của Trung Quốc, đó là tiếp cận và điều trị cho càng nhiều người càng tốt”, một quan chức thân cận với tổng thống Serbia nói với điều kiện giấu tên.
Tại Campuchia, theo lời khuyên của nhóm chuyên gia Trung Quốc, nước này bắt đầu hạn chế cấp thị thực cho du khách quốc tế. Campuchia cũng đang chuẩn bị cho dòng người trở về để chào đón năm mới của người Khmer trong tháng này theo mô hình của Trung Quốc. Chính phủ Campuchia không trả lời yêu cầu bình luận.
Tuy vậy, bất chấp những nỗ lực hỗ trợ y tế, Trung Quốc vẫn đối mặt với sự chỉ trích mạnh mẽ từ Washington và một số nước khác, vì đã đàn áp thông tin sớm về virus và hạ thấp rủi ro của nó.
“Tôi nghi ngờ việc nhiều quốc gia sẽ sớm quên đi những sai lầm ban đầu của Trung Quốc”, Ryan Hass, cựu giám đốc cấp cao về châu Á trong Hội đồng An ninh quốc gia dưới thời tổng thống Barack Obama nói.