Nhóm nghiên cứu gồm có giáo sư Neil Ferguson, người đã dự báo cho chính phủ Anh về mức độ lan truyền của dịch bệnh, ước tính rằng hàng chục nghìn người đã thoát chết ở 11 quốc gia nhờ các biện pháp như cách ly, đóng cửa trường học, cấm tụ tập đông người hay phong tỏa địa phương và quốc gia.
Các biện pháp như vậy đã “có tác động đáng kể trong việc giảm lây lan” ở các quốc gia mà dịch lây lan mạnh. Ước tính, Italy có thể cứu sống 38.000 người và 16.000 người ở Tây Ban Nha. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để dự báo số người được cứu sống tương tự ở các quốc gia trong giai đoạn đầu của dịch.
Hầu hết quốc gia trong nghiên cứu - Áo, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Vương quốc Anh - đã bắt đầu có các can thiệp từ ngày 12-14/3.
“Mặc dù chúng tôi không thể xác định được biện pháp nào thành công nhất nhưng chúng tôi có thể nhìn thấy những thay đổi trong xu hướng của các ca tử vong mới”, nhóm nghiên cứu cho biết, theo South China Morning Post.
“Chúng tôi nhận thấy rằng sự thay đổi đáng kể đang diễn ra. Và những biện pháp và sàng lọc mới đang hiệu quả hơn những biện pháp hiện tại, bên cạnh những thay đổi về hành vi sẽ góp phần làm giảm sự lây nhiễm”.
Con đường vắng tanh bên ngoài Đấu trường La Mã ở Rome, Italy. Ảnh: AFP. |
Nghiên cứu được công bố hôm 30/3 cũng ước tính khoảng 7 đến 43 triệu người đã bị nhiễm virus corona ở 11 quốc gia vào cuối tháng 3, chiếm khoảng 1,88% đến 11,43% dân số. Nhưng một số lượng lớn đã không được ghi nhận.
Trung bình tỷ lệ người nhiễm bệnh ở các quốc gia trong nghiên cứu là 4,9%, cao nhất ở Tây Ban Nha và Italy, và thấp nhất ở Đức và Na Uy.
Virus corona bắt đầu lây lan từ cuối năm ngoái ở miền trung Trung Quốc, sau đó đã trở thành đại dịch toàn cầu. Các nước đứng đầu về số ca nhiễm là Mỹ, Tây Ban Nha, Italy, Đức, Pháp và Trung Quốc đại lục.
Một nghiên cứu khác cho thấy tỷ lệ tử vong chung của Covid-19 thấp hơn so với hội chứng hô hấp cấp tính nặng Sars và Mers, nhưng “cao hơn đáng kể” so với đại dịch cúm H1N1 năm 2009 gần đây.
“Với sự lan truyền nhanh chóng cho đến nay, Covid-19 sẽ là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu nghiêm trọng trong những tuần và tháng tới”, nghiên cứu cho biết.
“Ước tính của chúng tôi về tỷ lệ những người nhiễm bệnh cần nhập viện cho thấy ngay cả những hệ thống y tế tiên tiến nhất cũng có khả năng bị quá tải”.
Do đó, những ước tính này rất quan trọng giúp các quốc gia trên thế giới có sự chuẩn bị tốt nhất khi đại dịch toàn cầu tiếp tục diễn ra.
Nghiên cứu cũng chỉ ra nguy cơ tử vong cao hơn đáng kể với người già.