Trong khi Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và các quốc gia G7 đang đồng lòng tìm kiếm một cách ứng phó chung đối với đại dịch Covid-19, Mỹ liên tục chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc như nguồn cơn mọi chuyện.
Theo tờ Guardian, có nhiều lý do khác cho thái độ thiếu hợp tác khi đối mặt với khủng hoảng toàn cầu, nhưng việc tập trung đổ lỗi cho Trung Quốc như cách mà Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo yêu cầu gọi virus corona là “virus Vũ Hán” đang gây ảnh hưởng tới nỗ lực phản ứng tập thể của những cường quốc hùng mạnh nhất thế giới.
Vai trò lãnh đạo suy yếu của Mỹ
Giữa lúc nước sôi lửa bỏng, chính quyền Mỹ trong thời gian qua có phần đổ lỗi lên Trung Quốc khi liên tục gọi virus gây viêm phổi mới là “virus Vũ Hán”, như cách Ngoại trưởng Pompeo gọi, hay “virus Trung Quốc”, cụm từ thường xuyên được Tổng thống Trump sử dụng trên Twitter.
Đối với một số đồng minh của Mỹ, việc cứng nhắc về từ ngữ vào thời điểm trật tự quốc tế được cho là đang đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ Thế chiến II càng làm nổi bật sự vắng bóng vai trò lãnh đạo của Mỹ.
Và sự vắng mặt đó càng được minh họa một cách sống động bằng tin tức tràn ngập về các máy bay chở đầy vật tư y tế từ Trung Quốc đến Italy, đúng vào thời điểm Mỹ đang lặng lẽ nhập nửa triệu que lấy mẫu xét nghiệm do Italy sản xuất để đáp ứng nhu cầu của một hệ thống y tế thiếu thốn còn Tổng thống Donald Trump thì gọi điện thoại thúc giục tổng thống Hàn Quốc gửi các lô kit xét nghiệm.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tìm cách yêu cầu gọi virus corona là “virus Vũ Hán” đang biến nỗ lực phản ứng tập thể của những cường quốc hùng mạnh nhất thế giới trở nên vô nghĩa. Ảnh: Getty. |
“Đối với tôi, chuyện đáng kinh ngạc nhất là việc Mỹ biến mất khỏi các cuộc tranh luận công khai. Mỹ về cơ bản đang nằm ngoài bản đồ, trong khi Trung Quốc lại hiện diện quyết liệt”, ông Keith Nathalie Tocci, giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề ngoại giao Italy và cựu cố vấn chính sách của EU, cho biết.
“Dù điều gì xảy ra trong cuộc bầu cử Mỹ, những gì đang diễn ra sẽ ở lại, đơn giản vì những gì chúng ta đang trải qua là một trải nghiệm tồi tệ. Nó sẽ lưu lại sâu trong ký ức cá nhân và tập thể của chúng ta”.
Trong vụ bùng phát dịch Ebola bắt đầu vào năm 2014, Mỹ là quốc gia có sự hiện diện sâu rộng nhất trên đất Tây Phi khi gửi tới nhiều nhân viên y tế, quân đội và đồ tiếp tế khẩn cấp. Trái với hình ảnh ấy, tuần rồi, gói cứu trợ kinh tế giá 2 nghìn tỷ USD của chính quyền Trump chỉ có vỏn vẹn 1 tỷ USD (khoảng 0,06%) dành cho hỗ trợ bên ngoài nước Mỹ.
Bộ Ngoại giao chỉ ra rằng Mỹ thực chất đã chi riêng lẻ 274 triệu USD cho hỗ trợ nhân đạo và y tế khẩn cấp để giúp đỡ các quốc gia có nhu cầu, bên cạnh tài trợ cho các tổ chức quốc tế như WHO.
Tuy nhiên, tại thời điểm quy mô thiệt hại được ước tính lên tới hàng nghìn tỷ USD, mức viện trợ thêm này chẳng thấm vào đâu và không thể cứu vớt hình ảnh của một chính quyền đang tận dụng cách nói móc mỉa đầy tính bài ngoại và hành xử khác hẳn các đối tác gần gũi nhất nhằm tăng sức ép kinh tế lên những đối thủ như Iran và Venezuela, những quốc gia cũng đang “oằn mình” chống dịch.
Thời cơ cho Trung Quốc
Mặc dù là nơi dịch Covid-19 bùng phát đầu tiên, Trung Quốc đã thành công đáng kể trong việc định hình lại hình ảnh của mình như một nhân tố lãnh đạo bằng những nỗ lực về sau nhằm ngăn chặn dịch bệnh cũng như hỗ trợ Italy và các quốc gia dễ bị tổn thương khác.
“Vai trò lãnh đạo của Mỹ sẽ không kết thúc chỉ vì phản ứng tệ hại của họ đối với dịch, nhưng tôi nghĩ chúng ta sẽ dần nhận ra rằng đây là một điểm then chốt”, Elisabeth Braw, giám đốc Chương trình Răn đe Hiện đại tại Viện nghiên cứu An ninh và Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI) tại London, Anh cho biết.
Bà Braw lập luận rằng cuộc khủng hoảng virus corona sẽ gây ra thiệt hại lâu dài hơn đối với vị thế của Mỹ so với Chiến tranh Iraq năm 2003.
“Trung Quốc chưa sẵn sàng vào năm 2003”, nữ chuyên gia nhận định. Họ chưa sẵn sàng để đảm nhận vai trò toàn cầu đó. Còn giờ thì Trung Quốc đã ở một vị trí có thể nắm quyền lãnh đạo toàn cầu, và họ chỉ chờ Mỹ đi lạc hướng hoặc mất sự hỗ trợ từ các đồng minh... Và vài năm vừa qua đã thực sự có lợi cho Trung Quốc từ khía cạnh đó”.
Trung Quốc gửi hàng viện trợ y tế sang Italy. Ảnh: Reuters. |
Từ sự thất bại trong việc tổ chức xét nghiệm, sự phủ nhận kéo dài hàng tháng của Tổng thống Trump về quy mô của mối đe dọa mới đến nỗ lực ghi điểm chính trị của ông, Mỹ đã cho thế giới thấy mọi thứ ngoại trừ một hình mẫu để các quốc gia khác học tập.
Stephen Walt, giáo sư quan hệ quốc tế của Đại học Harvard cho rằng niềm tin trên toàn thế giới vào năng lực của Mỹ, vốn trước nay một trong những cột trụ tạo nên vị thế dẫn đầu của họ, giờ đang suy suyển. “Không những không làm cho 'nước Mỹ vĩ đại trở lại', thất bại lớn trong chính sách này sẽ tiếp tục làm mờ danh tiếng của Mỹ vốn được biết đến quốc gia biết giải quyết mọi chuyện”, ông Keith Walt viết.
Không phải tất cả các nhà phân tích toàn cầu đều coi virus corona là yếu tố có ảnh hưởng tiêu cực đối với vị thế của Mỹ trên thế giới mà nhắm vào những xu hướng về lâu dài, như khả năng tự cung cấp năng lượng của Mỹ và các lợi thế về dân chủ, kinh tế, quân sự, cũng như những yếu tố Trung Quốc thiếu khi muốn trở thành một nhà lãnh đạo toàn cầu thay thế đáng tin cậy.
“Địa chính trị không thay đổi nhanh vậy. Bạn không thể kết luận tình hình địa chính trị sau hai tuần”, Parag Khanna, cựu cố vấn cho các lực lượng Mỹ đang điều hành công ty tư vấn FutureMap có trụ sở tại Singapore, cho biết.
“Mối tương tác bằng quyền lực mới quyết định, chứ không phải việc Trung Quốc gửi bao nhiêu khẩu trang y tế đến châu Phi”.
Trong khi đó, ông Tocci cho rằng việc Trung Quốc thành công đến đâu trong việc theo đuổi vị thế dẫn đầu mới còn phụ thuộc vào Bắc Kinh có bị thách thức, ví dụ, bởi một sự thay đổi về lãnh đạo theo chiều hướng ngoại hơn ở Washington, hay việc châu Âu vượt qua sự chia rẽ hiện tại.
“Đơn giản nó phụ thuộc vào việc những nước khác phản ứng thế nào hơn là phản ứng của chính Trung Quốc”, Tocci nói.