Virus corona đã làm tử vong 25.037 người, trong tổng số 399.381 ca nhiễm được công bố chính thức tại châu Âu, biến châu lục này thành châu lục chết chóc nhất toàn cầu vì dịch bệnh khởi phát từ Trung Quốc cuối năm ngoái.
Số liệu được AFP cập nhật theo các nguồn chính thức lúc 19h30 ngày 30/3 (giờ Hà Nội).
Italy tiếp tục là nước đứng đầu thế giới về số ca tử vong, với 10.799 người đã thiệt mạng, trong khi đó Tây Ban Nha ghi nhận 7.340 ca. Đây là hai nước có người chết nhiều nhất thế giới, chiếm hơn 3/4 số ca tử vong tai châu Âu.
Trên toàn cầu, số ca nhiễm đã lên đến hơn 737.000, với hơn 35.000 người tử vong.
Nhân viên y tế vận chuyển bệnh nhân Covid-19 tại Đức. Ảnh: AFP. |
Tại Tây Ban Nha, Guardian mô tả những cư dân ở đây tỉnh dậy ngày 30/3 trong tình trạng bị phong tỏa nặng nề hơn, sau khi chính phủ đã cấm tất cả những người làm công việc "không cấp thiết" rời khỏi nhà để chặn đà lây lan bệnh dịch.
Số người nhiễm virus đã lên tới 85.195, tăng 6.398 trường hợp so với một ngày trước đó.
Hôm 29/3, giới chức trách Tây Ban Nha công bố số ca tử vong ghi nhận trong 24 giờ là 838.
Sau khi lần đầu tiên vượt Trung Quốc về số ca tử vong hôm 25/3, con số này tại Tây Ban Nha không ngừng tăng nhanh, tới nay đã hơn gấp đôi Trung Quốc - hiện ghi nhận 3.304 ca tử vong.
Trong khi đó, tổng số ca nhiễm tại Tây Ban Nha cũng đã vượt Trung Quốc - nơi tới nay đã ghi nhận 81.470 ca nhiễm.
Các nhan viên tang lễ đeo khẩu trang chôn cất một nạn nhân nhiễm virus corona ở Madrid. Ảnh: Getty Images. |
Tại thủ đô Madrid và các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, nguồn dự trữ khẩu trang cùng thiết bị bảo hộ y tế khác đang dần cạn kiệt.
"Trang thiết bị chúng tôi có được phân bổ hết sức nghiêm ngặt để tránh tình trạng cạn kiệt hoàn toàn. Chúng tôi phải cẩn thận không làm bẩn quần áo bảo hộ bởi chúng tôi sẽ phải sử dụng lại, điều này làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Các thiết bị chất lượng cao được sử dụng hết sức cẩn thận", Sara Gayoso, một bác sĩ tại thủ đô Madrid, cho biết.
Theo Guardian, chính phủ Tây Ban Nha đã phải thu hồi hơn 9.000 bộ xét nghiệm virus corona do Trung Quốc sản xuất, sau khi các báo cáo cho thấy những bộ xét nghiệm này có tỷ lệ chính xác chỉ khoảng 30%.
Thủ tướng Israel bị cách ly
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và các trợ lý thân cận của ông đã bị cách ly phòng ngừa hôm 30/3 sau khi một nhân viên của văn phòng ông dương tính với virus, theo AFP.
Thông báo từ văn phòng thủ tướng Israel nhấn mạnh đây chỉ là biện pháp phòng ngừa vì nhà lãnh đạo không tiếp xúc với nhân viên nói trên gần đây.
"Đánh giá sơ bộ là thủ tướng không cần phải cách ly, vì ông không tiếp xúc gần cũng như không gặp gỡ riêng với người đó", thông báo nêu.
Thông báo cho hay "điều tra dịch tễ học" đang được tiến hành và ông Netanyahu cùng "các trợ lý thân cận sẽ bị hạn chế đi lại cho đến khi điều tra hoàn thành.
Israel đã báo cáo hơn 4.300 ca nhiễm, với 15 ca tử vong.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: Flash90. |
Tokyo ghi nhận số ca nhiễm mới cao chưa từng thấy
Tokyo hôm 30/3 báo cáo thêm 68 người nhiễm virus corona trong 173 ca nhiễm mới toàn quốc trong ngày 29/3, nâng tổng số người nhiễm tại Nhật Bản lên 1.866.
Đây là mức tăng ca nhiễm mới hàng ngày cao nhất tại thủ đô của Nhật Bản sau khi giới chức nước này xác định được các ổ dịch lớn trong và xung quanh thủ đô. Tokyo đã ghi nhận 430 trường hợp dương tính với virus corona và trở thành ổ dịch với số người nhiễm lớn nhất tại Nhật Bản.
Đáng chú ý, trong số các ca nhiễm mới nhất ghi nhận ở Tokyo có 27 người tại một bệnh viện, nơi đã phát hiện 96 trường hợp dương tính virus corona trước đó. Một ổ dịch khác gồm 88 người nhiễm tại một cơ sở dành cho người khuyết tật ở tỉnh Chiba, phía đông thủ đô, cũng được phát hiện.
Iran có 2.757 ca tử vong
Các quan chức y tế Iran ngày 30/3 cho biết số ca tử vong vì virus corona ở nước này đã tăng lên 2.757, tăng 117 trường hợp so với ngày trước đó.
Theo Reuters, truyền thông nhà nước Iran cho biết tổng số người nhiễm ở nước này đã lên tới 41.495, so với 38.309 trường hợp của một ngày trước đó.