Theo các quan chức, Đức đã làm nhiều xét nghiệm hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác, từ 300.000 đến 500.000 xét nghiệm mỗi tuần. Song chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel muốn tăng tỷ lệ này lên đến 200.000 xét nghiệm mỗi ngày, theo một tài liệu của Bộ Nội vụ Đức.
Mục tiêu sẽ là kiểm tra tất cả những người nghi ngờ họ đã nhiễm virus, cũng như toàn bộ nhóm người đã tiếp xúc với một ca được xác nhận dương tính.
Tiêu chí xét nghiệm hiện tại tập trung vào những người có các triệu chứng của bệnh Covid-19 và đã tiếp xúc với một ca được xác nhận.
Theo dõi điện thoại
Theo tài liệu trên, chủ trương mới là chuyển từ việc xét nghiệm "xác nhận tình huống" sang xét nghiệm "đón đầu", AFP cho biết.
Một vũ khí quan trọng trong trận chiến sẽ là sử dụng dữ liệu địa điểm của điện thoại thông minh để lần theo di chuyển gần đây của bệnh nhân, giúp theo dõi chính xác hơn và cách ly những người có khả năng nhiễm virus.
Người đi xe đạp trong một công viên ở Frankfurt, Đức, hôm 28/3. Ảnh: AFP. |
Dù các quan chức chính phủ và các nhà dịch tễ học đã ủng hộ việc theo dõi điện thoại di động, đây vẫn là một ý tưởng gây tranh cãi ở Đức, quốc gia bị ám ảnh bởi sự giám sát trong thời kỳ phát xít.
Các kế hoạch được đề xuất tại Đức lặp lại chiến lược "theo dõi, kiểm tra và điều trị" dường như đã giúp Hàn Quốc kiểm soát được sự bùng phát của virus. Chiến lược này bao gồm việc sàng lọc hàng loạt đối với các ca nghi ngờ và sử dụng công nghệ để theo dõi bệnh nhân.
Dù Đức và Hàn Quốc là hai quốc gia rất khác nhau, chiến lược chống dịch của quốc gia châu Á "có thể là hình mẫu", Lothar Wieler, người đứng đầu Viện Robert Koch (RKI), cơ quan y tế công cộng của Đức, nói với nhật báo Frankfurter Allgemeine.
"Một điểm quan trọng là truy vết dữ liệu điện thoại di động", ông Wieler nói.
Cơn bão đang đến
Với 389 ca tử vong trong số hơn 52.000 ca nhiễm, Đức có tỷ lệ tử vong chỉ 0,7% - thấp hơn nhiều so với tỷ lệ khoảng 10% ở Italy - nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh tại châu Âu, và 8% ở Tây Ban Nha
Song Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn đã cảnh báo rằng nước này có thể phải đối mặt với "cơn bão" ca nhiễm mới trong những tuần tới.
Ông Wieler, Viện trưởng RKI, cảnh báo rằng cảnh tượng đáng sợ tại các bệnh viện ở Italy cũng có thể xảy ra ở Đức.
"Chúng ta không thể loại trừ rằng chúng ta sẽ có nhiều bệnh nhân hơn cả máy thở ở đây", ông nói.
Nhân viên y tế vận chuyển một bệnh nhân Covid-19 người Pháp đến bệnh viện ở Essen, Đức. Ảnh: AFP. |
Với 25.000 giường chăm sóc đặc biệt được trang bị máy thở, Đức ở vị trí tốt hơn so với nhiều quốc gia đang đối phó với hàng loạt bệnh nhân bị suy hô hấp.
Song nhiều năm không được chu cấp đủ bởi ngân sách nhà nước đã khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe của Đức đang lâm vào cảnh thiếu nhân lực trầm trọng.
"Trong những tháng gần đây, một số giường chăm sóc đặc biệt đã phải ngừng hoạt động vì thiếu nhân lực", Reinhard Busse, chuyên gia về kinh tế y tế tại Đại học Kỹ thuật Berlin, cho biết.
Đức hiện thiếu khoảng 17.000 vị trí điều dưỡng.
Do đó, nhiều bệnh viện đã phải tuyển dụng y bác sĩ đã về hưu hoặc sinh viên y khoa để ứng phó với cuộc tấn công sắp tới của virus corona, ngay cả tại bệnh viện Đại học Charite nổi tiếng ở Berlin.
Lao động Ba Lan
"Ngay cả trước cuộc khủng hoảng virus corona, việc vận hành đã phải dừng lại đã phải bị hủy vì thiếu nhân viên", Uwe Luebking, người phụ trách chính sách thị trường lao động tại Hiệp hội Thị trấn và Thành phố Đức, nói với AFP.
Và khi có nhân sự trong tay, các y tá có thể phải bỏ ra đến bốn giờ mỗi ngày để làm công việc giấy tờ vì Đức vẫn tụt hậu so với các quốc gia khác trong việc số hóa thủ tục hành chính, các chuyên gia cho biết.
Cảnh sát đeo khẩu trang tuần tra ở Berlin trong nỗ lực nhắc nhở người dân không tụ tập đông người. Ảnh: AFP. |
Làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn là việc các biện pháp hạn chế và kiểm tra biên giới để ngăn chặn sự lây lan virus đã khiến lao động nước ngoài khó đi đến nơi làm việc của họ ở Đức. Trong đó, các cơ sở chăm sóc sức khỏe ở biên giới với Ba Lan bị ảnh hưởng đặc biệt.
Những người chỉ trích cũng cho rằng hệ thống y tế của Đức, vốn trả cho bệnh viện một mức chi phí cố định cho mỗi ca phẫu thuật, đã khiến nhiều bệnh viện tập trung vào việc kiếm tiền nhờ thực hiện các ca phẫu thuật theo lịch trình như thay khớp háng hoặc khớp gối, thay vì tăng cường năng lực cấp cứu.
Mặc dù Bộ trưởng Spahn đã kêu gọi giám đốc của khoảng 2.000 bệnh viện hủy bỏ mọi các ca phẫu thuật không khẩn cấp, một số người không nghe theo lời kêu gọi này, theo tuần san Der Spiegel.