Phương Tây hoài nghi tên lửa 'sát thủ tàu sân bay' của Trung Quốc - Quân sự - ZNEWS.VN
Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phương Tây hoài nghi tên lửa 'sát thủ tàu sân bay' của Trung Quốc

Giới phân tích phương Tây tiếp tục hoài nghi khả năng nhắm trúng mục tiêu di chuyển trên biển của tên lửa đạn đạo DF-26, dù Trung Quốc nhiều lần tuyên bố nó là sát thủ tàu sân bay.

Trung Quốc công bố video phóng tên lửa diệt tàu sân bay
00:00
/
Có lỗi xảy ra!.
Error code: 4
Video sẽ chạy sau2
Trung Quốc công bố video phóng tên lửa diệt tàu sân bay Truyền thông Trung Quốc mới đây đã công bố đoạn video lực lượng tên lửa chiến lược quân đội nước này tập trận và bắn thử tên lửa diệt tàu sân bay DF-26.

Ngày 28/1, truyền thông Trung Quốc đăng bài viết bảo vệ năng lực của tên lửa đạn đạo chống hạm DF-26, loại vũ khí được gọi là “sát thủ đảo Guam”, đáp lại bài viết trước đó của CNN nghi ngờ về khả năng bám theo mục tiêu đang di chuyển của tên lửa này.

Bài viết kèm theo video được Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đăng vào ngày 24/1. Nó dường như là nỗ lực tuyên truyền phối hợp, nhằm gây ấn tượng với người dân trong nước, đồng thời nhấn mạnh năng lực quân sự của Trung Quốc với quốc tế.

Bắn thử nhưng chưa thấy trúng mục tiêu

Các nhà phân tích quân sự cho rằng việc phát hành video thử nghiệm DF-26 với ý định cho thấy tên lửa DF-26 được phóng lên từ một vị trí không được tiết lộ. Nhưng việc bắn thử tên lửa không đồng nghĩa với việc nó có thể bắn trúng mục tiêu đang di chuyển.

Carl Schuster, cựu giám đốc Trung tâm Tình báo liên hợp, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Mỹ nói với CNN: “Video không có thấy tên lửa bắn trúng mục tiêu di chuyển trên biển. Đối với khán giả, đó là vụ phóng tên lửa đạn đạo thông thường và không có dấu hiệu nào cho thấy nó đang tấn công mục tiêu di chuyển hoặc đứng yên”.

Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 được phóng lên trong một thử nghiệm gần đây. Ảnh: CCTV/CNN.
Tranh cai ten lua sat thu tau san bay anh 1
Tranh cai ten lua sat thu tau san bay anh 1
Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 được phóng lên trong một thử nghiệm gần đây. Ảnh: CCTV/CNN.

Các nhà phân tích phương Tây từ lâu gọi tên lửa DF-26 của Trung Quốc là “sát thủ đảo Guam”, vì mối đe dọa mà nó gây ra cho các căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương. Nhưng việc bắn trúng mục tiêu đang di chuyển trên biển, như tàu sân bay, đòi hỏi các quy trình và chiến thuật thực hành mà Trung Quốc chưa chứng minh họ làm được, ông Schuster cho biết.

Sau khi một tàu khu trục của Hải quân Mỹ thực hiện hoạt động tự do hàng hải đi qua gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp từ năm 1974, truyền thông Trung Quốc lập tức tuyên bố quân đội nước này đã triển khai hoạt động tên lửa đạn đạo DF-26 ở khu vực sâu trong nội địa có thể tấn công mục tiêu trên toàn bộ Biển Đông.

Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 được công bố lần đầu trong cuộc diễu binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II ở Bắc Kinh vào năm 2015. Ban đầu nó được xác định là tên lửa đạn đạo tầm trung dùng để tấn công các mục tiêu cố định trên đất liền.

Nhưng sau đó, các chuyên gia quân sự Trung Quốc tuyên bố DF-26 là “sát thủ diệt tàu sân bay”. Dù vậy, Trung Quốc chưa bao giờ chứng minh được rằng họ đã thử nghiệm DF-26 trong nhiệm vụ chống tàu, có thể tấn công mục tiêu đang di chuyển.

Thiết kế đặc biệt?

Global Times, phụ san của tờ Nhân dân nhật báo, hôm 28/1, trích dẫn video từ CCTV cho thấy 4 vây nhỏ ở mũi tên lửa, cho phép thay đổi hướng trong quá trình bay để lao vào mục tiêu đang di chuyển.

“Thiết kế đặc biệt cho phép tên lửa điều khiển chính xác quỹ đạo tấn công, vì 4 vây điều khiển mang lại khả năng cơ động siêu tốc và dẫn đầu đạn trong giai đoạn cuối để tấn công tàu sân bay đang di chuyển chậm”, chuyên gia quân sự Song Zhongping, nói với Global Times.

Tranh cai ten lua sat thu tau san bay anh 2
Khả năng chống hạm của DF-26 vẫn là chủ đề gây tranh cãi. Ảnh: CNN.

Bài viết trích dẫn lời một chuyên gia quân sự giấu tên khác nói rằng đầu đạn của tên lửa được liên kết điện tử đến hệ thống nhắm mục tiêu. “Một mạng lưới thông tin được kết nối với đầu đạn, gồm các vệ tinh, radar mặt đất, hải quân và radar trên tên lửa. Mạng lưới này liên tục cập nhật vị trí mục tiêu đang di chuyển để điều hướng cho tên lửa”, vị chuyên gia giấu tên nói.

Tuy nhiên, Andrew Tate, nhà phân tích thuộc tạp chí quân sự Jane’s Defence Weekly, Anh, cho biết bằng chứng về khả năng chống hạm của DF-26 sẽ cần được thử nghiệm nhiều hơn nữa. “Bài viết của Global Times đề cập đến radar riêng của tên lửa có thể sử dụng cho giai đoạn cuối của tên lửa, nhưng bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc cập nhật vị trí có thể khiến tên lửa bắn trượt mục tiêu. Để đảm bảo chức năng này được thiết kế cần phải thử nghiệm rất nhiều”, ông Tate nói sau khi xem video.

Trong khi đó, ông Schuster cho rằng video về thử nghiệm tên lửa nhằm xóa bỏ những nghi ngờ trong bài viết trước đây của CNN về khả năng hoạt động của DF-26.

“Mục tiêu của video nhằm chống lại những hoài nghi trước đây, đạt được mục đích tuyên truyền quốc tế và tạo ra thông điệp chiến lược ở trong nước. Video được thực hiện đẹp mắt với âm nhạc và hiệu ứng ấn tượng, nhưng nó không cho thấy tên lửa bắn trúng bất kỳ mục tiêu nào”, ông Schuster nói.

Kể từ đầu tháng 1, truyền thông Trung Quốc liên tiếp công bố các vũ khí mới, một nỗ lực nhằm quảng bá sức mạnh quân sự và vai trò mở rộng toàn cầu của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Hiện nay vẫn chưa có quốc gia nào chế tạo thành công tên lửa đạn đạo có thể tấn công mục tiêu đang di chuyển.

Bài liên quan

Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm