Kể từ đầu tháng 1, quân đội Trung Quốc đã tiết lộ hàng loạt vũ khí mới tinh vi và mạnh mẽ. Quá trình công bố vũ khí mới đi cùng những video phô trương hoành tráng. Tuy nhiên, những công nghệ mới này liệu có đáng tin cậy trong thực chiến?
Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA), Trung Quốc dường như đã “dẫn đầu thế giới” trong một số công nghệ vũ khí. CNN xem xét các tuyên bố của Bắc Kinh về danh sách các vũ khí và công nghệ mà Trung Quốc cho là họ đang dẫn đầu thế giới.
Mẹ các loại bom
Global Times (Hoàn cầu Thời báo), phụ san của tờ Nhân dân Nhật báo, đầu tháng 1 đưa tin rằng Trung Quốc đã thử nghiệm phiên bản mới của “mẹ các loại bom”, loại vũ khí phi hạt nhân mạnh nhất. Mỹ đã chế tạo thành công loại vũ khí như vậy với tên gọi MOAB. Nó đã được Không quân Mỹ sử dụng để tiêu diệt phiến quân trong một tổ hợp hang động ở Afghanistan vào năm 2017.
MOAB của Trung Quốc được thả ra từ khoang của máy bay ném bom H-6K. Ảnh: Norinco. |
Theo Global Times, MOAB của Trung Quốc chỉ đứng sau vũ khí hạt nhân về sức mạnh. Tuyên bố của Global Times đi kèm với hình ảnh một quả bom được thả từ khoang máy bay ném bom H-6K, sau đó là một vụ nổ lớn trên mặt đất.
“Sức mạnh vụ nổ có thể dễ dàng quét sạch các mục tiêu trên mặt đất như các công sự, tòa nhà kiên cố, pháo đài và hầm trú ẩn”, Global Times dẫn lời nhà phân tích quân sự Wei Dongxu.
Báo cáo cho biết thêm MOAB của Trung Quốc nhỏ và nhẹ hơn MOAB của Mỹ, cho phép thả từ khoang vũ khí của máy bay ném bom giống như bom thông thường. Trong khi MOAB của Mỹ được đẩy ra từ khoang chở hàng của máy bay vận tải C-130. Trung Quốc tuyên bố rằng MOAB của họ chính xác hơn của Mỹ.
Trung Quốc đã cố gắng sao chép công nghệ quân sự từ những nước khác và cải tiến lại theo yêu cầu sử dụng của họ. Tuy vậy, các nhà phân tích cho rằng ngay cả với phương pháp ném bom được xem là ưu việt hơn, việc triển khai vũ khí như vậy trong thực chiến đòi hỏi sự vượt trội về ưu thế trên không.
Vạn lý trường thành thép ngầm
Một bài viết đăng hôm 13/1 trên website tiếng Anh của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), tiết lộ về cái gọi là “vạn lý trường thành thép ngầm”, hệ thống phòng thủ đặt sâu dưới địa hình đồi núi tại một địa điểm không xác định.
Bức tường thép nhằm bảo vệ các căn cứ quân sự quan trọng khỏi cuộc tấn công của đối phương. Theo báo cáo, lớp đá của những ngọn núi có thể chịu được nhiều vụ nổ tiềm năng. Trong khi đó, phần thép của bức tường liên quan đến công trình của Qian Qihu, nhà khoa học được cho là đã tìm ra cách để gia cố chống lại các vụ nổ cho những lối vào hầm ngầm dễ bị tổn thương.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-5 của Trung Quốc trong một hầm lưu trữ. Ảnh: Sina. |
Ông Qian cho biết công trình của ông được dùng để bảo vệ các vũ khí siêu thanh trong tương lai, loại tên lửa có thể bay với tốc độ gấp 5-10 lần vận tốc âm thanh. Vũ khí siêu thanh của Trung Quốc được giới thiệu là có thể đổi hướng trong chuyến bay để tránh hệ thống phòng thủ tên lửa và có thể mang đầu đạn hạt nhân.
“Công việc của Qian là đảm bảo sự an toàn của vũ khí chiến lược, cơ sở phóng và lưu trữ cũng như trung tâm chỉ huy trong tình huống chiến tranh khắc nghiệt”, Song Zhongping, chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh, nhận xét.
Tuy vậy, giới phân tích phương Tây vẫn nghi ngờ tuyên bố trên. Việc sử dụng thép để có thể chịu được sức công phá của các vụ nổ có vẻ như vẫn là lý thuyết nhiều hơn thực tế.
Tên lửa đạn đạo diệt tàu sân bay
Sau khi Hải quân Mỹ điều động một tàu khu trục thực hiện hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông vào ngày 10/1, truyền thông nhà nước Trung Quốc lập tức công bố quân đội nước này đã triển khai tên lửa đạn đạo DF-26, có thể tấn công các tàu cỡ trung và lớn di chuyển trên biển.
Một bài viết đăng trên Global Times tuyên bố việc triển khai loại tên lửa đạn đạo có tầm bắn hơn 5.000 km là một lời nhắc nhở rằng Trung Quốc có khả năng bảo vệ lãnh thổ của mình. DF-26 được công bố lần đầu trong cuộc diễu hành quân sự ở Bắc Kinh vào năm 2015.
DF-26 được giới thiệu là "sát thủ diệt tàu sân bay" nhưng vẫn chưa được chứng minh điều này. Ảnh: CNN. |
Ban đầu nó được xác định là tên lửa đạn đạo tầm trung dùng để tấn công các mục tiêu cố định trên đất liền. Các nhà phân tích Trung Quốc gọi nó là “sát thủ diệt đảo Guam”. Thực tế, các căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương đều nằm trong tầm bắn của nó.
Nhưng sau đó, các chuyên gia quân sự Trung Quốc tuyên bố DF-26 là “sát thủ diệt tàu sân bay”. Dù vậy, Trung Quốc chưa bao giờ chứng minh được rằng họ đã thử nghiệm DF-26 trong nhiệm vụ chống tàu, có thể tấn công mục tiêu đang di chuyển.
Carl Schuster, nhà phân tích quân sự, từng là thuyền trưởng tàu chiến của Hải quân Mỹ, cho biết chưa có quốc gia nào phát triển thành công tên lửa đạn đạo chống hạm. Việc phát triển vũ khí như vậy đòi hỏi nhiều lần phóng thử nghiệm nhằm hiệu chỉnh chiến thuật và quy trình, song Trung Quốc không cho thấy bất kỳ bằng chứng nào về việc đã làm như vậy.
Máy bay ném bom tàng hình 2 chỗ ngồi
Một bài khác trên website của PLA đề cập đến phiên bản máy bay chiến đấu tàng hình 2 chỗ ngồi được phát triển từ J-20. “Tất cả máy bay chiến đấu tàng hình hiện tại trên thế giới đều chỉ có một chỗ ngồi, vì vậy phiên bản mới của J-20 có thể là máy bay chiến đấu tàng hình 2 chỗ ngồi đầu tiên trên thế giới”, bản tin Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cho hay.
Đồ họa phiên bản 2 chỗ ngồi của tiêm kích tàng hình J-20. Ảnh: CCTV. |
Báo cáo cho biết sẽ cần thêm một phi công thứ hai để xử lý thông tin đa dạng từ hệ thống chiến đấu kỹ thuật số trang bị trên J-20. Theo một báo cáo của DIA, Trung Quốc đang phát triển máy bay ném bom tàng hình tầm trung và xa để tấn công các mục tiêu khu vực và toàn cầu.
Công nghệ tàng hình tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển máy bay ném bom mới. Những máy bay này có thể được đưa vào hoạt động trong vòng 6 năm tới, DIA cho biết.
Siêu chiến binh với vũ khí tương lai
Dao găm có thể bắn đạn, súng lục có thể gập lại để bắn từ phía sau bức tường, súng trường tích hợp súng phóng lựu 20 mm... đó là những vũ khí mà Trung Quốc muốn trang bị cho lực lượng đặc nhiệm để tạo ra các “siêu chiến binh”, theo một bài đăng trên website của quân đội Trung Quốc.
Binh sĩ Trung Quốc huấn luyện với dao găm bắn đạn. Ảnh: CCTV. |
Các dao gắm bắn đạn có thể sử dụng để bất ngờ tấn công đối phương ở cự ly gần. Súng lục bẻ góc 90 độ sẽ cho phép binh lính nấp phía sau bức tường và thu hút đối phương đến từ góc phải. Trong khi đó, tổ hợp súng trường tích hợp súng phóng lựu cung cấp “hỏa lực cá nhân mạnh nhất thế giới”. Súng này kết nối với nhau bằng cảm biến kỹ thuật số, hệ thống định vị và chia sẻ dữ liệu.
Nhà phân tích quân sự Wei Dongxu gọi súng mới là “vũ khí khoa học”, sẽ giúp một người lính Trung Quốc chiến đấu với 10 binh sĩ đối phương.
Các vũ khí được đề cập đến giống những thứ được phát triển cho James Bond, đặc vụ lừng danh trong series phim Điệp viên 007, nhưng Trung Quốc không phải là quốc gia đầu tiên phát triển các vũ khí như vậy. Năm 2015, Cơ quan Nghiên cứu các dự án quốc phòng tiên tiến (DARPA) của Mỹ đã công bố phát triển thành công loại đạn cỡ nòng 12,7 mm được trang bị cảm biến quang học có thể đổi hướng trong không trung.
Ăng ten radio khổng lồ
Trong một bài đăng vào ngày 1/1, tờ South China Morning Post, cho biết Trung Quốc đã hoàn thành mạng lưới ăng ten vô tuyến Phương pháp Điện từ Không dây (WEM). Nó là mạng lưới các dây điện cao thế được kết nối với nhau theo hình chữ thập rộng 60 km và dài 80-100 km.
Mạng lưới ăng ten này tạo thành một hình chữ nhật trên bản đồ với diện tích 3.700 km2, dù Trung Quốc không đưa ra vị trí chính xác vì lý do an ninh. Mạng lưới ăng ten được kết nối với các máy phát điện trong lòng đất để phát tín hiệu vô tuyến tần số cực thấp (ELF) có thể xuyên qua lớp vỏ Trái Đất tới 3.500 km.
Một tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc hoạt động trên biển. Ảnh: AFP/CNN. |
Tín hiệu ELF được sử dụng để liên lạc với các tàu ngầm trong lòng đại dương mà không cần chúng phải nổi lên. Nhà phân tích Joseph Trevithick cho biết ELF sẽ cho phép các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc hoạt động lâu hơn trong lòng đại dương so với các phương pháp liên lạc khác, giúp chúng khó bị phát hiện hơn, nâng cao khả năng răn đe hạt nhân.
Tuy nhiên, ELF chỉ cho phép liên lạc một chiều từ mặt đất đến tàu ngầm. Mặt khác, ELF không phải là một công nghệ mới - đây là sự phô trương về đầu tư cở sở hạ tầng chứ không phải là đột phá công nghệ. Mỹ từng đặt 2 cơ sở như vậy tại Michigan và Wisconsin, nhưng đã đóng cửa vào đầu thế kỷ 21, khi các công nghệ mới hơn được phát triển.
Pháo điện từ
Đầu tháng 1, truyền thông Trung Quốc cho biết có thể sớm triển khai pháo điện từ trên tàu chiến. Các hình ảnh được công bố trên các trang mạng Trung Quốc cho thấy một tàu đổ bộ xe tăng được lắp loại pháo giống pháo điện từ đang thử nghiệm trên biển.
Global Times dẫn lời chuyên gia quân sự Ji Lie cho biết các bức ảnh có nghĩa là pháo điện từ của Trung Quốc có thể đang ở giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Vũ khí này có thể được trang bị trên tàu khu trục Type-055, một trong những tàu chiến tinh vi nhất hành tinh.
Mỹ là quốc gia đầu tiên công bố phát triển pháo điện từ nhưng có vẻ như Trung Quốc đã bắt kịp Mỹ về công nghệ đặc biệt này. Nhà phân tích Carl Schuster nhận định Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ để triển khai pháo điện từ trên tàu chiến. Pháo điện từ của Mỹ và Trung Quốc có thể hoạt động trên biển trong khoảng một thập kỷ tới.