Nằm sâu trong trung tâm của tỉnh miền núi Tứ Xuyên, quân đội Trung Quốc đang chế tạo cỗ máy mô phỏng vụ nổ nhiệt hạch với quy mô chưa từng có, South China Morning Post đưa tin.
Nó được mô tả là phiên bản Trung Quốc của cơ sở năng lượng xung Z của Mỹ, thiết bị giống như bánh xe khổng lồ do Mỹ chế tạo để kiểm tra các hạt phản ứng thế nào dưới áp suất và từ tính cực cao.
Trong nhiều thập niên qua, cơ sở năng lượng xung Z, thuộc Phòng Thí nghiệm quốc gia Sandia Albuquerque, bang New Mexico, Mỹ, dẫn đầu trong lĩnh vực này. Các máy Z được sử dụng để phát triển vũ khí hạt nhân, từ đầu đạn thông thường đến bom nhiệt hạch tinh khiết – một loại bom hydro mà về mặt lý thuyết có thể được chế tạo ở bất kỳ kích cỡ nào và khi nổ không để lại bụi phóng xạ.
Công suất gấp 22 lần của Mỹ
Hiện tại, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang cố gắng chế tạo một cỗ máy sẽ sản xuất nhiều năng lượng, tạo ra môi trường khắc nghiệt hơn để thử nghiệm vũ khí, cho phép các nhà khoa học khám phá sâu hơn vào công nghệ hạt nhân.
Mô hình máy Z của Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
Theo một nhà vật lý hạt nhân ở Bắc Kinh, cỗ máy Z đang được Học viện Vật lý Kỹ thuật Trung Quốc chế tạo cho quân đội. Nó tọa lạc tại cơ sở phát triển vũ khí hạt nhân Trung Quốc ở thành phố Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên, và dự kiến hoạt động trong vài năm nữa.
Nó được thiết kế để tạo ra khoảng 60 triệu joule cho mỗi lần kích hoạt, gấp 22 lần so với công suất 2,7 triệu joule được tạo ra tại cơ sở Sandia của Mỹ. Nó làm điều này bằng cách bắn xung điện cực mạnh vào mục tiêu có kích thước bằng cuộn chỉ chứa hàng trăm dây dẫn bằng vonfram, mỗi sợi có kích thước nhỏ hơn một nửa sợi tóc người.
Khi các xung điện đi qua dây dẫn, vonfram phát nổ, bay hơi và tạo ra tia plasma có từ trường mạnh tới mức các hạt phát nổ bị nén lại với nhau. Các hạt va chạm với nhau tạo ra bức xạ cực mạnh, chủ yếu là tia X và tạo ra các điều kiện phản ánh chính xác hơn một vụ nổ hạt nhân thực sự.
Cơ sở này cho phép các nhà khoa học thấy rõ hơn về cách thức thiết kế và vật liệu để chế tạo đầu đạn mới có thể chịu được điều kiện khắc nghiệt như vậy. Máy Z khổng lồ này sẽ cho phép các nhà nghiên cứu Trung Quốc chế tạo bom nhiệt hạch tinh khiết, loại vũ khí được dự báo sẽ làm thay đổi cuộc chơi trong cuộc đua vũ khí hạt nhân.
Quyết tâm vượt Mỹ
Liu Bo, phó giáo sư thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Hạt nhân Trung Quốc, Đại học Tứ Xuyên ở Thành Đô, cho biết máy Z của Trung Quốc có thể đủ mạnh để hợp nhất 2 nguyên tử. Ông giải thích, khi 2 nguyên tử chịu áp lực đủ lớn, hạt nhân của chúng sẽ hợp nhất và giải phóng một lượng lớn năng lượng, quá trình này được gọi là phản ứng tổng hợp, tương tự như cơ chế hoạt động của Mặt trời.
Ông Liu cho biết thêm ngoài nhiệm vụ chính là nghiên cứu vũ khí hủy diệt hàng loạt, cơ sở này có thể giúp phát triển công nghệ khai thác năng lượng sạch với số lượng gần như không giới hạn.
Máy Z tại cơ sở nghiên cứu Sandia của Mỹ. Ảnh: Atomictoasters. |
Học viện Vật lý Kỹ thuật Trung Quốc đã xây dựng một máy Z có quy mô nhỏ hơn, có thể tạo ra 9 triệu joule năng lượng, theo một nhà vật lý giấu tên. Học viện đã tiến hành khoảng 200 vụ thử súng khí – một thiết bị dùng trong phòng thí nghiệm để mô phỏng vụ nổ hạt nhân từ tháng 9/2014 đến tháng 12/2017.
Trung bình, mỗi tháng cơ sở hạt thực hiện 5 vụ thử. Trong khi đó, Mỹ đã thực hiện 50 thử nghiệm tương tự từ năm 2012-2017, theo Phòng Thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore của Mỹ.
Những tiến bộ trong công nghệ hạt nhân của Trung Quốc được công bố một cách rầm rộ, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói hồi đầu tháng 12 rằng Mỹ đã bị cuốn vào cuộc chạy đua vũ trang điên cuồng của Nga và Trung Quốc.
Bắc Kinh đã bác bỏ điều này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết Trung Quốc chưa bao giờ tham gia bất kỳ cuộc chạy đua vũ trang và không tạo ra mối đe dọa cho bất kỳ quốc gia nào.
Tuy nhiên, trong tháng 5, China Youth Daily, cơ quan ngôn luận của Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc, nói rằng Học viện Vật lý Kỹ thuật Trung Quốc phải đánh bại Mỹ trong việc phát triển vũ khí hạt nhân. Tờ báo viết rằng vượt qua Mỹ đã trở thành phương châm cho các nhà khoa học, kỹ sư đang làm việc trong các cơ sở nghiên cứu tuyệt mật của chính phủ.
Giáo sư Zou Xiaobing, nhà vật lý hạt nhân tham gia nghiên cứu công nghệ máy Z, Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, cho biết chính phủ Trung Quốc cam kết hỗ trợ mạnh mẽ, liên tục cho nghiên cứu hạt nhân. Những khoản đầu tư khổng lồ đã giúp xây dựng các sơ sở nghiên cứu lớn, trong khi Mỹ không đầu tư mạnh cho lĩnh vực này.
Lei Yuan, nhà vật lý hạt nhân, Đại học Bắc Kinh, người không tham gia dự án, cho biết nhóm nghiên cứu nên chuẩn bị đối mặt với những thách thức. Ông Lei nhắc nhở rằng đã có những thất bại và tốn kém trong việc phát triển công nghệ hạt nhân ở Mỹ. Trong khi đó, mục tiêu, tham vọng của Trung Quốc lớn hơn nhiều nên thách thức và rủi ro cũng sẽ cao hơn.
Ngoài ra, ông Lei cảnh báo nếu Trung Quốc phát triển thành công một quả bom nhiệt hạch tinh khiết, các hiệp ước vũ khí hạt nhân quốc tế có thể sẽ phải viết lại. Tuy vậy, ông Lei nói rằng viễn cảnh này vẫn còn rất xa. Công nghệ này rất khó, nó vẫn là một cái gì đó mang tính lý thuyết hơn là thực tế.