Bên cạnh tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, việc Bắc Kinh tiến hành cải tổ quân đội cũng góp phần khiến ngân sách dành cho dự án tàu sân bay thứ ba bị ảnh hưởng, theo các nguồn tin quân sự của South China Morning Post.
Đánh giá này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Tân Hoa Xã xác nhận Trung Quốc đang đóng mới tàu sân bay nội địa thứ hai, tức tàu sân bay thứ ba của nước này, hôm 25/11.
Công việc chậm lại vì thiếu tiền
Theo Tân Hoa Xã, hàng không mẫu hạm mới nhất của Trung Quốc được gọi là Type-002 và quá trình đóng tàu đang diễn ra. Đây là lần đầu tiên truyền thông nhà nước Trung Quốc xác nhận việc này, có nghĩa là con tàu có thể đã sẵn sàng để hạ thủy, theo một nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc.
Tàu sân bay Type-002 sẽ được trang bị máy phóng điện từ (EMALS), tương tự loại sử dụng trên siêu tàu sân bay USS Gerald Ford của Mỹ. EMALS giảm sự hao mòn cho tàu và máy bay, cho phép phóng máy bay lên không trung nhanh hơn.
Type-001A, tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc trong lễ hạ thủy vào năm 2017. Ảnh: SCMP. |
Tuy nhiên, một nguồn tin quân đội Trung Quốc giấu tên nói rằng công việc trên tàu sân bay Type-002 đã chậm lại do cắt giảm ngân sách và chi phí gia tăng liên quan đến tiêm kích trên hạm J-15.
“Trung Quốc đến nay vẫn thất bại trong việc phát triển tiêm kích trên hạm mạnh mẽ và tân tiến hơn để phù hợp với tàu sân bay Type-002”, nguồn tin nói với SCMP.
Trước đó, SCMP dẫn một số nguồn tin cho biết Bắc Kinh đang phát triển tiêm kích trên hạm mới thay thế cho J-15, vì một loạt lỗi kỹ thuật cũng như các vụ tai nạn. Toàn bộ phi đội J-15 buộc phải ngừng bay trong 3 tháng sau vụ tai nạn nghiêm trọng năm 2016. Cuộc điều tra sau đó phát hiện lỗi trong hệ thống phần mềm điều khiển bay và phải thiết kế lại.
Một nguồn tin khác tham gia dự án Type-002 cho biết tuổi thọ quá ngắn của động cơ trên tiêm kích J-15 là một lý do khác khiến chương trình Type-002 bị chậm tiến độ.
J-15 được trang bị động cơ phản lực WS-10H tiên tiến và mạnh mẽ nhưng tuổi thọ của nó quá ngắn. Dù công nghệ tuabin mới đã nâng tuổi thọ động cơ từ 800 lên 1.500 giờ bay, nhưng vẫn quá ngắn so với tuổi thọ 4.000 giờ bay của động cơ General Electric F414 được sử dụng trên tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet của hải quân Mỹ.
“WS-10H tuy mạnh mẽ và tiên tiến nhưng tuổi thọ của nó quá ngắn so với công nghệ của Mỹ, có nghĩa Trung Quốc cần nhiều động cơ hơn cho hoạt động của J-15. Đó là vấn đề rất tốn kém, vì mỗi động cơ WS-10H có giá hàng triệu nhân dân tệ”, nguồn tin nói.
Tham vọng 4 nhóm tàu sân bay có thể đổ vỡ
Trung Quốc có kế hoạch vận hành 4 nhóm tác chiến tàu sân bay vào năm 2030, nhưng kế hoạch này có thể phải thay đổi khi ngân sách quốc phòng giảm và một số bộ phận bị cắt trong chương trình cải tổ quân đội quy mô lớn của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Tiêm kích trên hạm J-15 cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh. Ảnh: SCMP. |
Ngoài ra, các yếu tố chính trị, kinh tế khác cũng được cân nhắc trong chương trình tàu sân bay mới. Một nhà máy đóng tàu được chọn để đóng mới tàu sân bay Type-002 thứ hai, tức tàu sân bay thứ tư của Trung Quốc, nhưng việc này đã bị hoãn lại trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang với Mỹ.
"Bắc Kinh không muốn tiếp tục đối đầu với Washington, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc đã chậm lại đáng kể từ khi hai nước bắt đầu cuộc chiến thương mại", nguồn tin trên nói.
Trung Quốc đã đưa vào vận hành tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh từ năm 2012. Đây vốn là tàu sân bay Varyag của Liên Xô cũ chưa hoàn thành và được Trung Quốc mua lại từ Ukraine.
Tàu sân bay đầu tiên được đóng mới tại Trung Quốc là Type-001A. Tàu có thiết kế tương tự Liêu Ninh với đường băng kiểu "nhảy cầu". Type-001A được hạ thủy vào tháng 4/2017 và đang trong quá trình thử nghiệm.
Các chuyên gia quân sự dự đoán Type-001A sẽ được bàn giao cho hải quân Trung Quốc trước dịp kỷ niệm 70 năm thành lập nước vào tháng 10/2019.
Cho đến nay không có bất kỳ thông tin, hình ảnh chính thức nào về tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc được tiết lộ. Giới phân tích cũng hoài nghi trước thông tin con tàu được trang bị máy phóng điện từ.