Triển lãm hàng không quốc tế Chu Hải là sự kiện quan trọng để quân đội Trung Quốc khoe vũ khí tiên tiến, thúc đẩy tinh thần quân đội và lòng tự hào dân tộc. Tuy nhiên, 3 chiếc J-20 bay trình diễn kéo dài 6 phút tại triển lãm Chu Hải vẫn sử dụng động cơ của Nga.
Công ty Động cơ Hàng không Tây An dự định giới thiệu động cơ WS-15 cho tiêm kích tàng hình J-20 tại triển lãm hàng không quốc tế Chu Hải 2018. Tuy nhiên, kế hoạch này không thể thực hiện được vì chất lượng động cơ không đáp ứng được yêu cầu.
“Hiệu suất động cơ không ổn định và các kỹ sư đã thất bại trong việc tìm ra nguyên nhân, dù lực đẩy của nó đủ mạnh”, một nguồn tin quân sự Trung Quốc nói với SCMP.
Trong tháng 9, SCMP dẫn nguồn tin công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, nói rằng động cơ WS-15 đã khắc phục được vấn đề lỗi kỹ thuật và sắp được sản xuất với số lượng lớn. Tuy nhiên, thông tin mới nhất từ triển lãm Chu Hải cho thấy vấn đề của động cơ WS-15 vẫn chưa thể giải quyết.
Tiêm kích tàng hình J-20 bay biểu diễn tại triển lãm Chu Hải vẫn sử dụng động cơ phản lực của Nga. Ảnh: SCMP. |
Nguồn tin cho biết thêm động cơ WS-15 đã được phát triển trong nhiều năm để trang bị cho tiêm kích J-20, nhưng không đáp ứng được yêu cầu về độ tin cậy. Một nguồn tin quân sự ở Bắc Kinh nói rằng việc động cơ không đạt chuẩn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch sản xuất số lượng lớn tiêm kích tàng hình J-20.
“Điều này thật đáng xấu hổ, Trung Quốc tiếp tục phải phụ thuộc vào động cơ từ Nga. Bắc Kinh và Moscow có mối quan hệ thân thiện nhưng Trung Quốc phải làm thế nào nếu quan hệ giữa hai nước xấu đi, hoặc Nga đang chiến tranh với một quốc gia nào đó”, nguồn tin nói.
Trung Quốc đã đưa vào hoạt động phi đội J-20 đầu tiên trong năm 2017 để đối phó với việc Mỹ triển khai tiêm kích tàng hình F-35B đến châu Á. Hàn Quốc cũng sẽ nhận 40 tiêm kích tàng hình F-35 trong năm nay.
J-20 hoạt động trong không quân Trung Quốc sử dụng động cơ AL-31F của Nga, loại động cơ được chế tạo cho tiêm kích dòng Su-27. Việc sử dụng động cơ AL-31F khiến J-20 không thể đạt hiệu suất và tiêu chuẩn của máy bay chiến đấu thế hệ 5.
Động cơ WS-15 được xem là trái tim của chương trình tiêm kích J-20, nó được ví von là “Rồng dũng mãnh” của Trung Quốc. Tuy vậy, Rồng dũng mãnh J-20 vẫn chưa thể có đủ sức mạnh của nó khi vẫn phải phụ thuộc vào động cơ nhập khẩu từ Nga.
Tham vọng sở hữu chiến đấu cơ tàng hình ngang ngửa F-22 Raptor hay F-35 Lightning II của Mỹ vẫn còn khá xa vời đối với Trung Quốc. Động cơ tiếp tục là "nút cổ chai" cản trở sự phát triển của công nghiệp hàng không quân sự Trung Quốc.