Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lỗi động cơ được khắc phục, TQ sắp sản xuất hàng loạt tiêm kích J-20

Trung Quốc có thể đã khắc phục được vấn đề chất lượng của động cơ phản lực trong nước, cho phép tiến tới sản xuất số lượng lớn máy bay tàng hình J-20.

Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 của Trung Quốc đã hoàn thành quá trình phát triển và đưa vào sử dụng thử nghiệm trong Không quân Trung Quốc (PLAAF). Tuy nhiên, Trung Quốc chưa sản xuất được động cơ phản lực đủ tiêu chuẩn cho tiêm kích thế hệ 5. Điều đó khiến J-20 không thể đưa vào sản xuất số lượng lớn, ảnh hưởng đến năng lực chiến đấu.

Cụ thể, động cơ WS-15 sản xuất trong nước sử dụng lưỡi tuabin đơn tinh thể tiên tiến được các kỹ sư Trung Quốc nghiên cứu trong nhiều năm. Tuy vậy, khi tiến hành sản xuất hàng loạt, lưỡi tuabin không đáp ứng được chất lượng như mẫu thử nghiệm. Lưỡi tuabin xảy ra hiện tượng quá nhiệt ở tốc độ tối đa, có thể gây biến dạng cơ học và độ bền vật lý của nó.

Tuy nhiên, nguồn tin quân sự Trung Quốc nói với SCMP rằng vấn đề quá nhiệt của lưỡi tuabin đã được khắc phục. Các thử nghiệm tĩnh trên mặt đất và bay trên không cho thấy lưỡi tuabin đã đáp ứng được chất lượng, hướng đến mục tiêu cho một sản phẩm chất lượng cao.

Khong quan Trung Quoc anh 1
Tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc đang hoạt động với động cơ tạm thời. Ảnh: SCMP.

“Động cơ WS-15 dự kiến sẵn sàng với số lượng lớn để trang bị cho máy bay chiến đấu J-20 vào cuối năm nay”, nguồn tin giấu tên nói. Nguồn tin cho biết thêm một số vấn đề nhỏ với động cơ vẫn còn tồn tại, tuy vậy, điều này sẽ được khắc phục khi động cơ hoạt động nhiều hơn.

Bắc Kinh rất muốn có một loại máy bay tàng hình đẳng cấp thế giới vì căng thẳng gia tăng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mỹ đã triển khai đến khu vực các máy bay tàng hình F-35 và F-22 Raptor làm tăng thêm áp lực cho Trung Quốc.

Zhou Chenming, chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh, cho biết Trung Quốc ước tính Mỹ sẽ triển khai 200-300 tiêm kích tàng hình F-35 ở châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2025. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc cần số lượng J-20 tương tự, hoặc ít nhất khoảng 200 chiếc.

12 tiêm kích F-35 đã đến căn cứ không quân Mỹ ở Kadena, Nhật Bản vào tháng 11/2017. Trong khi đó, Hàn Quốc dự kiến nhận 40 tiêm kích F-35 trong năm nay.

Khong quan Trung Quoc anh 2
Động cơ phản lực được xem là "nút cổ chai" trong công nghiệp hàng không Trung Quốc. Ảnh: Ainonline.

Một nguồn tin quân sự thứ 2 nói rằng vấn đề kỹ thuật của động cơ WS-15 cần được giải quyết trước khi sản xuất số lượng lớn J-20. Trung Quốc hiện có khoảng 20 chiếc J-20, quá ít so với số lượng cần có. Chỉ có động cơ phát triển trong nước mới đảm bảo cho việc sản xuất hàng loạt J-20, vì không có quốc gia nào cung cấp công nghệ động cơ tiên tiến như vậy, nguồn tin cho biết.

Các tuyên bố mới bổ sung cho báo cáo của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), trong tháng 4 cho biết tập đoàn hàng không vũ trụ Thành Đô, nhà sản xuất J-20 sẽ thiết lập dây chuyền sản xuất thứ 4 cho J-20 vào năm 2019.

Trong tháng 8, CCTV báo cáo rằng PLAAF đang đẩy mạnh chương trình huấn luyện phi công J-20. Quân đội Trung Quốc từng cho biết J-20 đã tham gia đợt tập trận vào ngày 9/2 cùng với tiêm kích J-10, J-16 và máy bay ném bom H-6K. Ở thời điểm đó, J-20 được cho là sử dụng động cơ tạm thời.

Vào tháng 5, J-20 đã tham gia đợt tập trận trên eo biển Đài Loan. Một trong những nguồn tin quân sự cho biết công chúng có thể có được cái nhìn đầu tiên về J-20 với động cơ mới tại triển lãm hàng không quốc tế Chu Hải vào cuối năm.

Tiêm kích Trung Quốc diễn tập trên tàu sân bay Liêu Ninh Tiêm kích hạm J-15 diễn tập mang mô hình tên lửa đối không và diệt hạm tuần tra quanh khu vực hoạt động của tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc.

Trung Quốc đang phát triển tên lửa điện từ

Các nhà khoa học Trung Quốc đang phát triển loại tên lửa phóng bằng lực đẩy điện từ thay vì sử dụng động cơ như hiện tại, giúp tăng tầm bắn và độ chính xác.

Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm