Trung Quốc có thể đã vượt Mỹ về công nghệ pháo điện từ khi họ đưa vũ khí này ra thử nghiệm trên biển. Tàu đổ bộ xe tăng Haiyang Shan 936, loại Type-072II, được lắp một pháo lớn nghi là vũ khí điện từ được phát hiện thử nghiệm trên biển vào những ngày cuối năm 2018, Business Insider cho biết.
Hình ảnh về tàu đổ bộ xe tăng Haiyang Shan 936 mang theo vũ khí điện từ thử nghiệm trên biển được đăng lần đầu trên mạng xã hội Twitter vào ngày 29/12/2018. Vị trí của con tàu không được xác định.
Vũ khí điện từ của Trung Quốc được tiết lộ lần đầu trong năm 2011 và được thử nghiệm trên mặt đất sau đó 3 năm. Pháo điện từ được lắp trên tàu đổ bộ xe tăng Haiyang Shan 936 vào đầu năm 2018. Mẫu vũ khí này có kích thước rất lớn và không giống pháo thông thường.
Vào tháng 3/2018, Global Times, phụ san của tờ Nhân dân nhật báo viết rằng Trung Quốc đã đạt được những thành tựu đáng kể trên các vũ khí tối tân, gồm thử nghiệm trên biển của vũ khí điện từ. Tuy vậy chưa có hình ảnh nào về thử nghiệm vũ khí điện từ của Trung Quốc được công bố.
Hình ảnh tàu đổ bộ xe tăng Type-072II mang vũ khí điện từ thử nghiệm trên biển. Ảnh: Haohanfw. |
Mẫu pháo điện từ của Trung Quốc được cho là có thể bắn xa gần 200 km, với tốc độ lên đến 2,5 km/s. Trong tháng 6/2018, tình báo Mỹ nhận định Trung Quốc có thể trang bị pháo điện từ trên tàu chiến vào năm 2025, vượt xa kế hoạch của Lầu Năm Góc.
Mỹ công bố mẫu thử nghiệm pháo điện từ vào năm 2006, dự định lắp thử nghiệm trên tàu chiến vào năm 2016. Tuy nhiên, đến nay chưa thấy hình ảnh nào về pháo điện từ của Mỹ lắp trên chiến hạm được công bố.
Mẫu thử nghiệm pháo điện từ do BAE Systems và General Atomics phát triển có công suất 25 MW. Nó cần lượng điện năng rất lớn nên hiện tại vẫn đang thử nghiệm trên mặt đất.
Pháo điện từ là loại vũ khí ứng dụng nguyên lý đảo chiều từ trường dòng điện để tạo ra lực đẩy điện từ bắn đầu đạn đi với tốc độ cực nhanh. Tốc độ của đầu đạn lên đến 7.920 km/h, nó phá hủy mục tiêu nhờ vào động năng của vụ va chạm mà không cần dùng thuốc nổ.
Cấu tạo của pháo điện từ gồm 2 ray kim loại đặt song song nhau và kết nối với nguồn cung cấp điện. Đầu đạn là khối kim loại được đặt giữa 2 thanh ray. Khi dòng điện được đóng nó tạo nên dòng từ trường chạy dọc theo chiều dài của thanh ray. Khi đó, lực đẩy Lorentz được hình thành giữa 2 thanh ray đẩy đầu đạn ra ngoài mà không cần dùng liều phóng.
Ưu điểm của pháo điện từ là không cần dùng liều phóng để đẩy đầu đạn đi như pháo thông thường, hay động cơ tên lửa, nên loại trừ được nguy cơ cháy nổ. Chi phí đầu đạn thấp hơn nhiều so với trước do không cần chế tạo thêm các bộ phận liên quan. Ngoài ra, đầu đạn là khối kim loại nhỏ nên số lượng mang theo nhiều hơn, giúp kéo dài thời gian chiến đấu.
Tuy vũ khí điện từ của Trung Quốc đã được đem thử nghiệm trên biển, nhưng Trung Quốc có thực sự vượt Mỹ về công nghệ pháo điện từ hay không vẫn là ẩn số.