Xe tăng Leopard 2. Ảnh: Tobias Cukale/Breaking Defense. |
Sau cuộc họp tại Căn cứ Không quân Ramstein (Đức) hôm 20/1, các quan chức quốc phòng phương Tây đã không đạt được thỏa thuận chuyển giao xe tăng chiến đấu Leopard 2 cho Ukraine, New York Times đưa tin ngày 20/1.
Xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất, được nhiều nước châu Âu dự trữ. Tuy nhiên, Berlin từ chối chuyển giao cho Ukraine và phản đối việc các nước khác cung cấp vũ khí này cho Kyiv. Đồng thời, chính phủ Đức cũng đề nghị Mỹ chuyển giao xe tăng tốt nhất M1 Abrams cho Ukraine.
Một số quan chức Ukraine, cũng như chính phủ Ba Lan và Latvia, chỉ trích sự bất đồng của phương Tây. Họ cho rằng xe tăng là phương tiện quân sự quan trọng với Ukraine trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ và Đức đã tìm cách xoa dịu đồng minh. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin III nhấn mạnh Đức là “một đồng minh đáng tin cậy”, luôn ủng hộ Ukraine trong thời gian dài.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius, cho biết Berlin sẽ bắt đầu kiểm kê các phương tiện và đào tạo binh sĩ Ukraine cách sử dụng xe tăng, theo Reuters.
“(Nếu đạt được thỏa thuận), chúng tôi có thể hành động ngay lập tức và cung cấp hỗ trợ trong khoảng thời gian rất ngắn”, ông nói.
Trước đó, vào ngày 20/1, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết nếu phương Tây quyết định cung cấp xe tăng hạng nặng cho Kyiv, điều đó "chắc chắn sẽ gây ra hậu quả tiêu cực" cho Ukraine, TASS đưa tin.
Cạnh tranh Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine
Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.