Giám đốc CIA William Burns phát biểu trong phiên điều trần của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ. Ảnh: Reuters. |
“Giám đốc Burns đã đến Kyiv gặp gỡ các đối tác tình báo Ukraine cũng như Tổng thống Zelensky, củng cố sự ủng hộ của chúng tôi đối với Ukraine”, quan chức Mỹ giấu tên cho biết.
Quan chức này từ chối cho biết chuyến thăm diễn ra khi nào. Washington Post, cơ quan đầu tiên đưa tin về chuyến thăm, cho biết ông Burns tới Kyiv vào cuối tuần trước.
Giám đốc CIA đã trao đổi với Tổng thống Ukraine về kế hoạch quân sự của Nga trong thời gian sắp tới.
Ông Zelensky và các quan chức tình báo cấp cao Ukraine cũng thảo luận về việc Ukraine sẽ phải đợi bao lâu để tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Mỹ và phương Tây. Đảng Cộng hòa tiếp quản Hạ viện và cử tri Mỹ ủng hộ giảm viện trợ cho Ukraine khiến chính quyền Kyiv lo ngại.
Tổng thống Ukraine và các trợ lý rời cuộc thảo luận với ấn tượng rằng sự ủng hộ của chính quyền ông Biden đối với Kyiv vẫn mạnh mẽ, theo các nguồn tin của Washington Post. Họ ít chắc chắn hơn về việc Quốc hội thông qua một gói viện trợ trị giá nhiều tỷ USD như từng làm năm trước. Khoản tài trợ khẩn cấp trị giá 45 tỷ USD cho Ukraine được Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng 12/2022 được cho là sẽ kéo dài ít nhất đến tháng 7 hoặc tháng 8 năm nay.
Trong chuyến công du tới Washington vào tháng 12/2022, ông Zelensky phát biểu với Quốc hội Mỹ rằng viện trợ cho Ukraine là một khoản đầu tư chứ không phải từ thiện, đồng thời thúc giục sự ủng hộ của Mỹ.
Ngày 19/1, Mỹ đã công bố một gói hỗ trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá 2,5 tỷ USD, bao gồm 59 xe chiến đấu Bradley, 90 xe chiến đấu bọc thép Stryker và hàng trăm phương tiện khác. Ngoài ra, Ukraine còn nhận được đạn dược bổ sung cho các hệ thống tên lửa.
Tổng cộng, Mỹ đã cam kết hỗ trợ an ninh hơn 27,4 tỷ USD cho Ukraine kể từ tháng 2/2022.
AP cho biết các quốc gia phương Tây cũng tuyên bố gửi hàng tỷ USD vũ khí cho Ukraine. Chính phủ Anh tuần trước tuyên bố chuyển xe tăng Challenger 2 tới chiến trường Ukraine. Đức cũng đang để ngỏ việc cung cấp xe tăng Leopard 2.
Trong khi đó, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 19/1 cảnh báo các thành viên NATO rằng nếu Nga thất bại tại Ukraine, một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra. Cảnh báo được ông đưa ra trước khi các nhà lãnh đạo NATO gặp nhau tại căn cứ không quân Ramstein vào ngày 20/1 để thảo luận về vấn đề Ukraine, theo RT.
Cạnh tranh Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine
Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.