Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: Sputnik. |
“Sự thất bại của một cường quốc hạt nhân trong một cuộc xung đột thông thường có thể kích động sự bùng nổ của một cuộc chiến hạt nhân”, ông Medvedev cho biết trong một bài đăng trên Telegram ngày 19/1.
Cảnh báo được ông đưa ra trước khi các nhà lãnh đạo NATO gặp nhau tại căn cứ không quân Ramstein vào ngày 20/1 để thảo luận về vấn đề Ukraine. Ông cũng thể hiện sự không hài lòng đối với diễn đàn Davos.
“Các cường quốc hạt nhân chưa từng thua trong các cuộc xung đột lớn mà số phận của họ phụ thuộc vào”, ông Medvedev nói.
Nga và Mỹ là hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, nắm giữ khoảng 90% số đầu đạn hạt nhân trên toàn cầu, theo Reuters.
Khi được hỏi liệu phát biểu của ông Medvedev có phải dấu hiệu Nga đang đẩy cuộc khủng hoảng tại Ukraine lên một mức mới hay không, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Không, điều đó hoàn toàn không có nghĩa như vậy”.
Ông Peskov nói tiếp rằng nhận xét của ông Medvedev phù hợp với học thuyết hạt nhân của Nga, cho phép thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân sau khi “sự gây hấn chống lại Liên bang Nga bằng vũ khí thông thường đe dọa đến sự tồn tại của đất nước”.
Trong một diễn biến liên quan vào cùng ngày, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tuyên bố chuyển giao pháo tự hành FH-77BW L-52 Archer cho Ukraine. Stockholm cũng sẽ gửi 50 xe chiến đấu bộ binh CV-90 và tên lửa chống tăng di động NLAW.
Mỹ dự kiến công bố gói viện trợ trị giá 3 tỷ USD vào ngày 20/1, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gặp gỡ các đồng minh ở Đức. Gói viện trợ bao gồm xe chiến đấu bọc thép Stryker và đạn dược bổ sung, theo Fox.
Cạnh tranh Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine
Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.