Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phụ nữ trẻ Hàn Quốc phản đối Tổng thống đắc cử Yoon Suk Yeol

Với nhiều phụ nữ trẻ, chiến thắng của ông Yoon Suk Yeol là mối đe dọa cho phong trào nữ quyền tại Hàn Quốc.

Chỉ vài ngày sau chiến thắng của ứng viên Yoon Suk Yeol trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc năm 2022, làn sóng phản đối đã bắt đầu nổi lên. Đối với những người phụ nữ trẻ, chiến thắng của ông Yoon là điều gì đó đáng lo ngại.

Sau khi kết quả được công bố, các cụm từ “di cư đến Canada”, “biểu tình dưới ánh nến”, hay “người đàn ông số 2” - một cụm từ mang nghĩa xúc phạm dành cho những nam giới ủng hộ ông Yoon - đã trở thành xu hướng trên mạng xã hội Twitter tại Hàn Quốc.

Ong Yoon Suk Yeol bi phan doi vi chong phong trao nu quyen. anh 1

Một cuộc mít tinh ở trung tâm Seoul do nhóm hoạt động vì nữ quyền Haeil tổ chức. Ảnh: Handout.

Sự chia rẽ trong cuộc bầu cử

“Tôi cảm thấy xấu hổ khi sống bên cạnh những người đàn ông đã bỏ phiếu cho ứng viên muốn loại trừ (vị thế) của phụ nữ Hàn Quốc (trong xã hội) hơn nữa”, South China Morning Post dẫn lời Soo Yeon, 18 tuổi. Lần đầu tham gia bỏ phiếu, cô sinh viên ở Seoul chỉ trích kế hoạch tranh cử của ông Yoon về việc cắt giảm tiền lương tối thiểu và tư nhân hóa dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Không chỉ Soo Yeon từ chối công nhận ông Yoon làm tổng thống của mình. Các nhà hoạt động nữ quyền gọi cựu tổng công tố viên 61 tuổi là "người kỳ thị phụ nữ" vì ông đã bác bỏ bằng chứng về sự phân biệt đối xử có hệ thống đối với nữ giới, và việc ông quy trách nhiệm cho phong trào nữ quyền là nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh thấp ở Hàn Quốc.

Sau cùng, lời cam kết loại bỏ Bộ Bình đẳng giới của ứng viên từ đảng Quyền lực Nhân dân đã trở thành "giọt nước tràn ly" đối với nhiều phụ nữ ở xứ sở kim chi.

Ở phía ngược lại, quan điểm “chống nữ quyền” của ông Yoon đã lấy lòng được một bộ phận nam giới trẻ Hàn Quốc. Họ là những người coi sự nở rộ của phong trào nữ quyền là mối đe dọa đối với đời sống xã hội và việc cạnh tranh trong thị trường lao động.

Phong trào nữ quyền bị xem là thứ đảo ngược tình trạng phân biệt đối xử hướng về nam giới. Nhiều nam thanh niên bất bình trước việc phụ nữ không phải tham gia nghĩa vụ quân sự bắt buộc khiến họ có lợi thế hơn khi gia nhập thị trường lao động. Tuy vậy, trên thực tế, lao động nữ có mức thu nhập trung bình chỉ bằng 2/3 so với các đồng nghiệp nam.

Sự rạn nứt giữa hai giới đã được phản ánh trong kết quả bầu cử. Trong khi hơn 58% nam giới ở độ tuổi 20-29 bỏ phiếu cho ứng viên Yoon, thì 58% phụ nữ ở cùng độ tuổi đã chọn ông Lee.

Ong Yoon Suk Yeol bi phan doi vi chong phong trao nu quyen. anh 2

Tổng thống vừa đắc cử của Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ăn mừng bên ngoài trụ sở đảng Quyền lực Nhân dân ở Seoul vào ngày 10/3. Ảnh: AFP.

Lạc quan giữa thách thức

Theo Bloomberg, khoảng 80% trong số 11.000 người gia nhập đảng Dân chủ trong hai ngày sau cuộc bầu cử là phụ nữ. Hơn một nửa trong số họ dưới 40 tuổi.

Hôm 11/3, liên minh quy tụ hơn 130 nhóm nữ quyền đã tổ chức một buổi họp báo ở trung tâm Seoul để yêu cầu Tổng thống đắc cử Yoon Suk Yeol “lắng nghe lời cảnh báo của các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ và hướng đến mục tiêu xây dựng một xã hội bình đẳng giới”.

Kwon Soo Hyun, Giám đốc tổ chức Đoàn kết Chính trị của Phụ nữ Hàn Quốc (KWPS), đã tham dự họp báo, và cho biết: "Ông Yoon không nhận được hơn 50% phiếu bầu trên cả nước, điều đó có nghĩa một số lượng đáng kể phụ nữ phản đối ông Yoon đã cất lên tiếng nói của mình trong ngày bầu cử".

Mặc dù Kwon ngờ vực khi kết quả bầu cử được công bố, cô hy vọng tổ chức của mình sẽ hoạt động quyết liệt hơn trong 5 năm tới.

“Đúng là phản ứng dữ dội chống lại phong trào nữ quyền trong những năm gần đây đã khiến chúng tôi mệt mỏi, nhưng lần này chúng tôi đã tìm thấy động lực khi đưa được tiếng nói của mình vào các cuộc bầu cử”, cô Kwon cho biết.

Trong khi bình đẳng giới là một vấn đề lớn đối với cử tri trước cuộc bầu cử, cả hai ứng viên trong cuộc bầu cử tỏ ra do dự khi phát biểu về chủ đề này vì có thể khiến nhiều cử tri tiềm năng thuộc cả hai giới quay lưng với họ.

Ông Yoon hôm 10/3 phủ nhận việc châm ngòi cho sự rạn nứt giữa hai giới. Tuy vậy, những người chỉ trích viện dẫn các bình luận trước đây của ông về nữ quyền để cho thấy rằng ông đang muốn lấy lòng các cử tri là nam giới trẻ tuổi. Trong quá trình vận động tranh cử, Yoon Suk Yeol đã đề nghị tăng gấp ba lần tiền lương tháng cho những người lính nhập ngũ lên mức 2 triệu won (1.626 USD).

Dù vậy, một số nhà hoạt động nữ quyền vẫn nhìn thấy điểm sáng trong nghịch cảnh. Lee Ye Eun, người điều hành Haeil, một nhóm hoạt động vì quyền phụ nữ, cho biết: “Việc phản đối nữ quyền được sử dụng như một chiến lược chính trị chứng minh rằng phong trào nữ quyền ở Hàn Quốc đã phát triển lớn mạnh hơn trong những năm qua".

Ong Yoon Suk Yeol bi phan doi vi chong phong trao nu quyen. anh 3

Một điểm kiểm phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc trên đảo Jeju. Ảnh: DPA.

Cuộc chiến chưa kết thúc

Trong ấn phẩm mới nhất của tháng này, Economist sử dụng chỉ số rào cản vô hình (glass-ceiling index) để đo lường vai trò và ảnh hưởng của phụ nữ trong lực lượng lao động ở 29 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc một lần nữa bị xếp vào cuối danh sách.

“Chúng tôi là quốc gia phát triển duy nhất vẫn chưa giải quyết được vấn đề bất bình đẳng giới", Kim Nan Ju, nhà nghiên cứu về chính sách lao động đối với phụ nữ tại Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc (KWDI), cho biết. “Nếu Bộ Bình đẳng giới bị giải thể, có khả năng các vấn đề như tỷ lệ việc làm thấp và tỷ lệ tự tử cao ở phụ nữ sẽ bị lu mờ bởi các vấn đề đang tồn tại trong chương trình nghị sự của các bộ ngành khác”.

Theo báo cáo điều tra hoạt động kinh tế năm 2021, tỷ lệ việc làm ở nữ giới là 57,7%. Tỷ lệ này ở phụ nữ trong độ tuổi 35-39 đã giảm từ 59,9% vào năm 2019 xuống còn 57,7%. Một trong những lý do khiến phụ nữ đối mặt với sự gián đoạn trong sự nghiệp là gánh nặng của việc chăm sóc con cái. Năm ngoái, tỷ lệ việc làm ở nam giới là 75,2%.

Đồng thời, đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng tỷ lệ tự tử của phụ nữ trẻ Hàn Quốc, khắc sâu vào nỗi đau của một quốc gia vốn đã có tỷ lệ tự tử cao nhất trong các nước OECD. Tỷ lệ tự tử ở phụ nữ trong độ tuổi 20-29 tăng 16,5% trong năm 2020, với 19,3 trên 100.000 phụ nữ tự tử trong năm đó.

Ong Yoon Suk Yeol bi phan doi vi chong phong trao nu quyen. anh 4

Một cuộc mít tinh ở trung tâm Seoul do nhóm hoạt động vì nữ quyền Haeil tổ chức. Ảnh: Handout.

Một số nhà quan sát nghi ngờ việc ông Yoon có thể giải thể Bộ Bình đẳng giới vì điều này cần sự chấp thuận của Quốc hội đang do phe có khuynh hướng tự do kiểm soát. Ngay cả trong số những người chỉ trích, nhiều người vẫn mong muốn một sự cải cách hơn là việc giải thể bộ.

Có những ý kiến cho rằng ngay cả đối thủ của ông Yoon là Lee Jae Myung và đảng Dân chủ cũng khó được coi là bên đấu tranh cho nữ quyền. Nhiều thành viên của đảng này đã bị vướng vào các vụ lùm xùm về quấy rối tình dục.

Bất chấp những điều trên, "phong trào (đấu tranh cho nữ quyền) sẽ không dễ biến mất cho đến khi các vấn đề sâu xa liên quan đến tỷ lệ đại diện thấp của phụ nữ được giải quyết”, nhà nghiên cứu họ Kim bày tỏ lạc quan.

Tổng thống đắc cử Hàn Quốc hứa hẹn bãi bỏ Bộ Bình đẳng Giới

Việc hứa hẹn bãi bỏ Bộ Bình đẳng Giới nếu đắc cử tổng thống của ông Yoon Suk-yeol nhằm thu hút cử tri nam trẻ tuổi đang vấp phải phản ứng dữ dội từ công chúng Hàn Quốc.

Tranh cãi việc tổng thống đắc cử Hàn Quốc không muốn ở Nhà Xanh

Tổng thống đắc cử Hàn Quốc cho biết muốn gần gũi hơn với người dân khi chuyển khỏi Nhà Xanh. Song động thái này đã vấp phải phản ứng dữ dội liên quan đến việc lãng phí ngân sách.

Nguyễn Thanh Hải

Bạn có thể quan tâm