Cô đơn, nghèo đói, không người giúp đỡ, những phụ nữ cao tuổi ở Nhật Bản tìm cách vào tù để tận hưởng cuộc sống mà họ cho là dễ chịu và thoải mái hơn so với bên ngoài.
|
Khoảng 20% nữ tù nhân ở Nhật Bản là người cao tuổi. Nhiều người cố tình phạm các tội nhẹ như trộm cắp để được vào tù. Đây là vấn đề mà Nhật Bản, quốc gia có dân số già nhất thế giới, phải đối mặt. Khảo sát năm 2017 của chính phủ cho thấy một nửa số người cao tuổi phạm tội ăn cắp sống một mình. 40% không có gia đình hoặc hiếm khi nói chuyện với người thân. Những người này cho biết họ không có ai giúp đỡ khi cần. Ảnh: Bloomberg/Shiho Fukada. |
|
Ngay cả những phụ nữ có nhà cửa cũng cảm thấy cô đơn. "Họ cảm thấy không được thấu hiểu. Họ cảm thấy mình chỉ được công nhận là người hoàn thành việc nhà", Yumi Muranaka, quản lý nhà tù nữ Iwakuni ở Hiroshima, Nhật Bản, cho biết. Ảnh: Bloomberg/Shiho Fukada. |
|
Phụ nữ cao tuổi thường dễ bị tổn thương về kinh tế. Gần một nửa số phụ nữ trên 65 tuổi sống một mình cũng sống trong khó khăn. "Tôi đến siêu thị mua rau và thấy một gói thịt bò. Tôi muốn mua nhưng không có tiền. Vì vậy, tôi đã lấy nó", một tù nhân không con cái và mới mất chồng năm ngoái cho biết. Ảnh: Bloomberg/Shiho Fukada. |
|
Chi phí chăm sóc người cao tuổi đã đẩy chi phí y tế hàng năm tại các cơ sở cải huấn lên 6 tỷ yen (hơn 50 triệu USD) vào năm 2015. Các nhân viên đặc biệt được thuê để giúp các tù nhân lớn tuổi tắm rửa và đi vệ sinh vào ban ngày, còn vào ban đêm, nhiệm vụ này do bảo vệ thực hiện. Ảnh: Bloomberg/Shiho Fukada. |
|
Tại một số cơ sở giam giữ, các quản ngục trở thành nhân viên điều dưỡng cho người cao tuổi. Năm 2016, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua đạo luật đảm bảo những người cao tuổi tái phạm sẽ nhận được sự hỗ trợ từ hệ thống phúc lợi và dịch vụ xã hội. Tuy nhiên, vấn đề khiến những phụ nữ cao tuổi tìm đến sự thoải mái trong nhà tù nằm ngoài tầm với của hệ thống. Ảnh: Quartz.
|
|
Bà T., 80 tuổi, bị bắt lần thứ 4 vì tội ăn cắp và bị kết án hai năm rưỡi tù giam. Chồng bà bị đột quỵ 6 năm trước và phải nằm liệt giường từ đó đến nay. Việc chăm sóc chồng khiến bà chịu nhiều áp lực cả về thể chất và tinh thần. Bà ở tù lần đầu năm 70 tuổi. "Tôi không muốn về nhà. Tôi không còn nơi nào để đi. Ở tù là cách duy nhất", bà nói. Bà T. cho biết cuộc sống của bà dễ chịu hơn nhiều khi ở trong tù trong khi con trai bà cho rằng bà cần được chữa trị trong viện tâm thần. Ảnh: Bloomberg/Shiho Fukada. |
|
Bà Ng., 80 tuổi, bị bắt lần thứ 3 và bị kết án 2 năm, 3 tháng tù giam. Bà Ng. thường xuyên ở một mình và cảm thấy rất cô đơn dù được chồng cho rất nhiều tiền. 13 năm trước, bà Ng. bị bắt lần đầu và đưa đến đồn cảnh sát sau khi ăn trộm một cuốn tiểu thuyết. Bà cảm thấy viên cảnh sát thẩm vấn mình thật tốt bụng khi lắng nghe bà nói. Bà Ng. cho biết bà rất thích được làm việc và sống trong tù. "Ở đây luôn có người xung quanh và tôi không cảm thấy cô đơn. Tôi từng hứa sẽ không quay trở lại nhưng khi ra ngoài, tôi lại nhớ cuộc sống trong tù", bà nói. Ảnh: Bloomberg/Shiho Fukada. |
|
Bà K., 74 tuổi, bị bắt lần thứ 3 vì ăn trộm Coca-cola và nước cam. "Tôi sống nhờ phúc lợi. Cuộc sống thật khó khăn. Khi ra ngoài, tôi phải tìm cách xoay xở với 1.000 yen (9 USD) một ngày. Tôi không có bất kỳ điều gì để mong đợi ở bên ngoài", bà cho biết. Ảnh: Bloomberg/Shiho Fukada. |
|
Bà O., 78 tuổi, bị bắt lần thứ 3 vì ăn cắp nước tăng lực, cà phê, trà, cơm nắm, xoài và bị kết án 1 năm 5 tháng tù giam. "Nhà tù là ốc đảo đối với tôi, một nơi thư giãn và thoải mái. Tôi không có tự do ở đây nhưng tôi cũng không có gì phải lo lắng. Có rất nhiều người để nói chuyện. Họ cho chúng tôi ăn 3 bữa bổ dưỡng một ngày", bà nói. "Con gái đến thăm mỗi tháng một lần. Nó nói 'Con không cảm thấy tiếc cho mẹ. Mẹ thật thảm hại. Tôi nghĩ nó nói đúng", bà O. kể. Ảnh: Reuters. |
Tuyết Mai (theo Bloomberg)
Ảnh: Shiho Fukada
nhà tù Nhật Bản
Nhật Bản
người già
Nhật Bản
nhà tù