Theo thống kê, cứ hai cửa hàng tiện lợi ở Đài Loan (Trung Quốc) thì có một máy gắp thú. Số lượng các máy gắp thú đã tăng gấp đôi năm ngoái và trở thành nguồn thu thuế lớn thứ tư trong ngành công nghiệp giải trí.
Chỉ với 10 Tân Đài tệ (7.500 đồng), khách hàng có thể điều khiển máy gắp để lựa giải thưởng từ thú nhồi bông đến các thiết bị điện tử và phụ kiện thời trang.
Một số máy gắp được đặt ở góc cửa hàng tạp hóa trong khu phố trong khi số khác được xếp thành hàng trong các khu vui chơi đang nở rộ khắp các khu dân cư và trung tâm giải trí.
Cả một văn hóa đã được hình thành xung quanh cơn sốt này. Một số người đam mê đã lên mạng hướng dẫn cách điều khiển máy gắp hiệu quả nhất, trong khi các trang web khác được lập ra để trao đổi giải thưởng.
Một phụ nữ điều khiển máy gắp ở Đài Bắc. Ảnh: AFP - Jiji. |
Đối với Albee Chou, 34 tuổi, chơi máy gắp thú trong khu phố của cô ở Đài Bắc là cách rẻ tiền để tìm một món quà cho con gái. Là một người chơi thuần thục, cô nhanh chóng gắp được vài chiếc hộp Hello Kitty.
"Nó rẻ hơn so với mua ở cửa hàng. Hơn nữa, nó lại vui hơn", Chou nói.
Máy gắp thú được phát triển từ các "máy đào" ở Mỹ vào thập niên 1930. Các phiên bản ban đầu được thiết kế hoàn toàn máy móc và được dùng để gắp kẹo.
Phiên bản điện phức tạp hơn nhanh chóng lan sang châu Á vào cuối những năm 1970. Vài năm qua, thiết bị này đã tăng lên phổ biến ở Đài Loan và Hàn Quốc.
Với mức lương không theo kịp chi phí sinh hoạt ở Đài Loan, người chơi coi chúng là trò giải trí rẻ tiền trong khi các nhà khai thác coi chúng là khoản đầu tư hiệu quả.
Các nhà cung cấp thường chọn vị trí tốt để đặt máy, sau đó lần lượt cho người khác thuê lại.
Nick Chang, 31 tuổi, đã thuê hai máy gắp thú trong một khu giải trí mới mở ở khu dân cư Đài Bắc. 40 máy gắp tại đây được cho thuê lại với nhiều chủ sở hữu khác nhau, những người sẽ lấp đầy chúng với các giải thưởng theo ý thích của họ.
Phí thuê mỗi chiếc máy nằm trong khoảng từ 3.000 Tân Đài tệ (2,2 triệu đồng) đến 10.000 Tân Đài tệ (7,5 triệu đồng) tùy theo khu vực.
Chang đã đổ đầy máy gắp của anh các đồ chơi phỏng theo nhân vật của Nhật Bản.
"Tôi không phải ở cửa hàng 24 giờ mỗi ngày, nghĩa là tôi vẫn có thể làm công việc toàn thời gian của mình", Chang, một nhiếp ảnh gia tạp chí, cho biết.
Anh kiếm được khoảng 10.000 Tân Đài tệ một máy mỗi tháng, nhiều hơn phần lớn những người khác.
Doanh thu trung bình hàng tháng cho một máy chỉ khoảng 5000 Tân Đài tệ (3,7 triệu đồng) nhưng với thu nhập trung bình hàng tháng ở Đài Loan chỉ khoảng 50.000 Tân Đài tệ (37,7 triệu đồng), nhiều người cảm thấy đó là một khoản lợi nhuận kha khá.
"Tôi kiếm được nhiều hơn vì tôi liên tục tìm các nguồn đồ chơi rẻ hơn và tôi có nhiều khách hàng quay trở lại", Chang nói.
Tìm kiếm giải thưởng phù hợp có thể là chìa khóa. Ken Chuang, 38 tuổi, người có một máy gắp thú trong khu giải trí giống như Chang, từng bỏ loại quần lót giống với sản phẩm của Calvin Klein và thấy máy gắp trống rỗng chỉ trong 2 tiếng.
"Chắc người ta nghĩ đấy là hàng hiệu thật!", anh cười nói.
Có hơn 100 trang Facebook ở Đài Loan bàn luận về máy gắp thú, với hàng chục nghìn thành viên chia sẻ kinh nghiệm và lời khuyên của họ về các xu hướng mới nhất và trao đổi hàng hóa.
Cơn sốt thậm chí đã khiến Ngân hàng Đài Loan tuyên bố sẽ phát hành thêm 10 Tân Đài tệ trong năm 2019 để đáp ứng nhu cầu của người chơi.
Lo Chi-fu, phát thanh viên của một chương trình tài chính, cho rằng người trẻ đặc biệt bị thu hút bởi xu hướng này để tìm thêm nguồn thu cho mức lương thấp và thường thuê chung máy với bạn bè. Tuy nhiên, anh cảm thấy số lượng máy gắp thú ở Đài Loan đã đến mức bão hòa.
Mặc dù vậy, đối với một số người, chiếc máy gắp thú vẫn thu hút đơn giản vì sự phấn khích của trò chơi.
Nhân viên nhà hàng Steven Wu cho biết anh từng dành 6 tiếng để chơi và thừa nhận đã tiêu tốn khá nhiều.