Kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, chiếm giữ thủ phủ của nhiều tỉnh với tốc độ nhanh chóng, thật khó để có thể hình dung được cuộc sống bất ổn của người Afghanistan bên ngoài thủ đô Kabul. Đặc biệt là đối với phụ nữ.
Những phụ nữ trẻ ở các tỉnh lẻ đều đã cảm nhận được sự thay đổi chế độ mới và nhìn thấy tương lai mờ mịt của mình dưới sự cai trị của Taliban. CNN đã tiếp cận được với 3 phụ nữ - đều ở độ tuổi 20 và được học hành tử tế - để có được cái nhìn về sự thay đổi trong cuộc sống của họ khi Taliban nắm quyền.
Chạy trốn khỏi Kunduz
Một phụ nữ đã đến Kabul trú ẩn cùng gia đình sau khi ngôi nhà của họ bị tên lửa bắn trúng ở thành phố Kunduz, miền Bắc Afghanistan.
"Kunduz không phải là nơi để đến vào lúc này. Mọi người không nên ở đó", cô nói.
"Tôi đã liên lạc với nhiều đồng nghiệp cũ đang còn mắc kẹt ở Kunduz. Phụ nữ không được phép rời khỏi nhà, tất cả đều ở nhà", cô nói thêm.
Những ai có việc làm đều buộc phải ra ngoài trong sợ hãi. Mọi người đều sợ việc bị Taliban chặn đứng ở ngoài đường hoặc đặt cược tính mạng vào tình huống nguy hiểm nào đó. Người phụ nữ này đã phân tích sự khác biệt giữa người làm việc tự do và những người làm việc cho chính quyền cũ.
"Những người từng làm việc tự do không có nhiều thay đổi lớn. Họ vẫn tiếp tục làm các công việc ở nhà, tự kinh doanh. Trái lại, các nhân viên chính phủ đều ở nhà và không thể quay lại làm việc, bất chấp Taliban nói rằng cho phép họ đi làm", người này nói.
Các gia đình chạy trốn khỏi Kunduz, Takhar và tỉnh Baghlan do giao tranh giữa Taliban và lực lượng an ninh Afghanistan hôm 11/8. Ảnh: CNN. |
Cô nhận định: "Vấn đề là không ai tin tưởng bất cứ thứ gì phát ra từ miệng của Taliban”.
Cô nghi ngờ sự thay đổi mà Taliban hứa hẹn. Taliban không có những giá trị giống như người dân Afghanistan. Người dân tin rằng Taliban tỏ ra thiện chí vì cộng đồng quốc tế và Liên Hợp Quốc đang theo dõi sát sao họ.
"Tôi đang cố gắng tìm cách rời khỏi đất nước này thông qua các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức nhân đạo. Thật không may, không ai có thể giúp đỡ tôi", cô nói thêm.
Phụ nữ bị bỏ mặc
Ở hầu hết tỉnh ngoài thủ đô Kabul, cuộc sống đã vốn khó khăn. Do thiếu cơ hội và nguồn lực hỗ trợ nên phụ nữ thường bị bỏ mặc, và những áp đặt của Taliban chỉ làm tăng thêm những thách thức sẵn có ngày càng thêm trầm trọng.
Ở Kunduz, một thành phố có khoảng 350.000 dân, một phụ nữ nói rằng cô đang vật lộn để duy trì các nhu cầu sống cơ bản. Cha của cô từng làm việc cho Liên Hợp Quốc. Bây giờ ông đã mất việc.
Cô nói: “Chúng tôi thiếu thốn thực phẩm và nước uống, rất khó tìm được nơi cung cấp những nhu yếu phẩm".
Một cửa hàng bị thiệt hại nặng, sau khi các chiến binh Taliban tấn công ở Kunduz. Ảnh: CNN. |
Kunduz có vẻ yên bình, nhưng căng thẳng một cách âm ỉ.
"Hiện tại mọi thứ có vẻ bình yên nhưng thực chất mọi người đều bất ổn và căng thẳng. Taliban đang nói rằng phụ nữ có thể đi học trở lại, với điều kiện phải được hộ tống với một người thân là nam giới. Phụ nữ không thể đi chơi một mình, họ cần một người đàn ông đi kèm", cô nói.
Cô chia sẻ: "Một ngày nọ, cô giáo của chúng tôi trở lại trường học và nhảy lên một chiếc xe kéo để đi làm. Ở Kunduz, việc di chuyển bằng xe kéo rất phổ biến. Tuy nhiên, Taliban đã ngăn họ lại và đánh người lái xe vì đã chở cô ấy mà không có người giám hộ đi cùng. Đây cũng là điều chúng tôi phải đối mặt".
Người này không còn cảm thấy an toàn và muốn rời khỏi Afghanistan, nếu có thể.
Cô nói thêm: "Tôi muốn rời Kunduz và đất nước này để được sống an toàn. Tôi là một nhà báo, hy vọng duy nhất của tôi là được các tổ chức giúp đỡ nhà báo rời khỏi đây. Tôi đã gửi email cho nhiều người nhưng không nhận được hồi đáp".
Ngờ vực với nhiều lời hứa
Herat là thành phố lớn thứ ba của Afghanistan, với dân số hơn 500.000 người. Nằm giáp biên giới Iran, đây là một trung tâm lịch sử và văn hóa lớn của đất nước này.
Một người phụ nữ tại đây chia sẻ: “Mọi người đều sốc. Sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Ghani và sự hình thành chế độ khắc nghiệt mới của Taliban đã dẫn đến nhiều ngờ vực sâu sắc".
Các chiến binh Taliban tuần tra trên đường phố ở Herat ngày 14/8. Ảnh: CNN. |
Người phụ nữ này có quan điểm khác so với những người phụ nữ khác.
Cô cho biết: "Taliban đang cố gắng cho người dân hy vọng rằng họ có thể lãnh đạo trong hòa bình và ổn định. Sự hiện diện của Taliban ở các thành phố như Herat và Mazar-i-Sharif mạnh mẽ hơn so với Kabul".
"Đối với nam giới, họ không quá để tâm, nhưng phụ nữ thì rất hoang mang: Liệu chúng ta có quay trở lại những năm 1990, sau 20 năm làm việc chăm chỉ và nỗ lực hay không? Hay lần này tình hình được cải thiện hơn?", cô băn khoăn.
Trên thực tế, nhiều người đàn ông tỏ ra lo lắng cho tương lai của vợ và các con, đặc biệt là những người có con gái nhỏ.
Người dân đang chờ xem Taliban đang hoạch định những luật lệ và quy tắc nào cho họ.
Cô cho biêt: "Mọi người đang trải qua cú sốc lớn, không nhận thức được tương lai của bản thân và đất nước. Họ cho rằng một tương lai mơ hồ bên ngoài đất nước còn tốt hơn nhiều so với ở trong nước. Đó là lý do tại sao họ tìm mọi cách để chạy trốn. Người dân hoàn toàn tuyệt vọng tới mức đỉnh điểm".
Những người có quan hệ với chính quyền trước đây đang là mục tiêu săn lùng của Taliban, kể cả khi họ tuyên bố về một lệnh ân xá chung.
Ở Herat, các tay súng Taliban đang đi lùng sục từng nhà của người dân, để tìm những người có liên hệ với Lực lượng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Afghanistan.