Mohammad Khalid Wardak, một cảnh sát người Afghanistan đã nhiều năm hợp tác cùng quân đội Mỹ, bị Taliban truy nã, đã được giải cứu vào ngày 18/8, theo AP.
Ông Khalid cùng gia đình đã trốn ở Kabul, liên tục di chuyển để tránh bị phát hiện, cho đến khi họ được giải cứu bởi chiến dịch có tên Promise Kept. Đây là chiến dịch ngầm của quân đội Mỹ và các đồng minh.
Sau ít nhất bốn lần đến điểm hẹn, cuối cùng gia đình ông Khalid đã được giải cứu bằng trực thăng vào tối 18/8, theo ông Robert McCreary, cựu Chánh văn phòng Quốc hội Mỹ và từng là quan chức Nhà Trắng dưới thời Tổng thống George W. Bush, làm việc với các lực lượng đặc biệt ở Afghanistan.
Cuộc giải cứu gian nan
Cuộc giải cứu của ông Khalid được tiến hành sau khi những binh lính Mỹ thỉnh cầu sự giúp đỡ từ Quốc hội, cũng như Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao. Họ cho rằng Khalid là một chiến hữu đã cứu sống nhiều người và sẽ chịu án tử nếu bị Taliban bắt giữ.
"Tôi không nghĩ mọi người hiểu được sự hỗn loạn ở Kabul lúc này", thượng sĩ Chris Green, người đã làm việc cùng ông Khalid ở Afghanistan, cho biết. "Taliban đang cố loại bỏ những mối nguy hiểm lớn nhất đối với họ, các sĩ quan quân sự và cảnh sát đặc biệt, bằng những biện pháp tàn nhẫn, nhằm đảm bảo quyền lực của mình".
Gia đình ông Khalid đã không thể đến sân bay vì lực lượng Taliban kiểm soát lối vào.
Theo những người ủng hộ, ông Khalid được nhiều người biết đến qua vị trí cảnh sát trưởng ở tỉnh Helmand. Bên cạnh đó, ông đã nhiều lần xuất hiện trên truyền hình, trong đó có lần ông khiêu chiến lực lượng Taliban.
Taliban xem ông Khalid là một mối nguy hiểm lớn do mối quan hệ của ông với quân đội Mỹ. Ảnh: AP. |
Ông Green cho biết ông "cực kỳ vui mừng" khi nghe tin gia đình ông Khalid an toàn.
Theo ông, nhiều đồng minh, bao gồm Anh, đã hỗ trợ cuộc giải cứu. Hiện ông Khalid, cùng vợ và bốn người con từ 3-12 tuổi, đã đến "địa điểm không được tiết lộ dưới sự bảo vệ của Mỹ".
Giới công chức Mỹ cho biết những cảnh sát và binh lính Afghanistan hợp tác cùng Washington cũng xứng đáng được giải cứu. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về các cuộc giải cứu này vẫn chưa được tiết lộ.
Bạn bè Khalid cho biết ông không muốn rời khỏi Afghanistan. Ông đã dự định ở lại chiến đấu với Taliban để bảo vệ quê hương sau khi Mỹ rút quân. Nhưng rồi, mọi chuyện thay đổi khi chính phủ Afghanistan sụp đổ và Tổng thống Ashraf Ghani rời khỏi nước này.
"Ông Khalid đã chiến đấu đến khi chỉ còn một mình", ông Green nói. "Ông đã bị thương và bao vây. Lực lượng của ông không được tiếp viện. Trong khi đó, giới cấp cao Afghanistan đã bắt đầu lên kế hoạch bỏ trốn. Vì thế, những người như ông Khalid bị bỏ lại mà không nhận được sự giúp đỡ nào".
Ông McCreary nói rằng ban đầu ông Khalid chỉ yêu cầu gia đình mình được bảo vệ. Khi chính phủ Afghanistan sụp đổ, Mỹ nhanh chóng thay đổi kế hoạch và nỗ lực đưa ông Khalid đến nơi an toàn.
Đã có lúc lực lượng giải cứu mất liên lạc với ông Khalid trong vài ngày.
"Chúng tôi cho rằng ông ấy đã bị giết", ông McCreary nói. "Tuần trước, tôi tưởng mọi chuyện đã kết thúc. Chúng tôi phải tiếp tục nỗ lực bảo vệ gia đình của ông Khalid".
Công trạng của ông Khalid
Những người ủng hộ ông Khalid cho biết họ không thể nghĩ đến việc bỏ rơi ông, sau nhiều năm viên cảnh sát này hợp tác với Mỹ.
Vào năm 2013, một căn cứ lực lượng đặc biệt của Mỹ tại tỉnh Wardak bị tấn công từ bên trong. Một người đã cải trang để đột nhập và bắn chết hai bính lính người Mỹ.
Ngay sau đó, căn cứ này bị tấn công từ phía bên ngoài. Một chỉ huy người Mỹ đã gọi cho ông Khalid, người nhanh chóng di chuyển đến thung lũng Wardak cùng lực lượng phản ứng nhanh và bảo vệ các chiến hữu người Mỹ.
Vào năm 2015, ông Khalid bị mất một phần chân phải do súng phóng lựu. Bạn bè trong quân đội Mỹ đã đưa ông đi chữa trị và lắp chân giả ở nước ngoài. Một tháng sau, ông lại cùng Mỹ dẫn đầu các hoạt động của cảnh sát đặc nhiệm khắp Afghanistan, ông Green cho biết.
Ông Khalid (phải) không muốn rời bỏ Afghanistan và dự tính ở lại chiến đấu để bảo vệ quê hương. Ảnh: AP. |
Suốt khoảng thời gian này, ông hỗ trợ Mỹ bắt giữ thủ lĩnh của al-Qaeda và Taliban. Sau đó, ông trở thành cảnh sát trưởng ở tỉnh Ghazni và tỉnh Helmand.
Gia đình ông Khalid đã xin tị nạn ở Mỹ, tuy nhiên không rõ quá trình đó mất bao lâu và liệu họ được duyệt hay không. Các biên dịch viên, thông dịch viên, và những người làm việc cho Mỹ ở Afghanistan có đủ tiêu chuẩn để xin visa nhập cư đặc biệt. Tuy nhiên, cảnh sát và binh lính người Afghanistan lại không thuộc diện này.
Những người được Taliban cho là mối nguy hiểm lớn do hợp tác với Mỹ xứng đáng được đặc cách, ông McCreary cho biết.