Gần hết ngày giãn cách xã hội, vợ chồng anh Nguyễn Dương Lâm (39 tuổi, quận 4) được công ty lên danh sách dự kiến đi làm lại vào ngày 1/10. Tuy nhiên, hai cậu con trai 7 và 12 tuổi của anh chị vẫn chưa được đến trường.
Đứng trước tình huống nan giải, anh Lâm dự tính cho hai con ở nhà tự chăm nhau và sẽ gọi điện thường xuyên về để nắm tình hình.
Đây cũng là nỗi lo chung của các bậc phụ huynh có con nhỏ ở TP.HCM trước thềm bình thường mới, khi ba mẹ quay trở lại công ty làm việc nhưng con cái vẫn chưa được đến trường.
Tập cho con tự chăm nhau, gửi ông bà
Từ thực tế các đồng nghiệp ở công ty và nhiều người xung quanh, anh Lâm nhận ra người trẻ đang mong đi làm lại sau nhiều tháng bí bách trong nhà. Song, những người đã có gia đình như anh thì ở chiều ngược lại. Việc buồn chán khi ở nhà thời gian dài không quan trọng bằng sức khỏe của các con.
Anh Nguyễn Dương Lâm dự tính cho các con tự chăm nhau khi anh và vợ đi làm trở lại thời gian tới. Ảnh: NVCC. |
Anh Lâm cho hay vì được rèn tính tự lập sớm, nên con trai lớn có thể tự học, chỉ có cậu con trai nhỏ vẫn còn ham chơi, đôi lúc chưa tập trung khi học qua màn hình. Điều ông bố 2 con băn khoăn nhất là các con chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19, vợ chồng đi làm có thể là nguy cơ lây nhiễm cho con.
“Trường mở cửa lại thì tôi cũng không dám cho con đi học. Có thể học online tiếp tục còn không sẽ cho các con dừng một năm đến khi dịch được kiểm soát” anh Lâm nói.
Cùng tình cảnh, chị Thanh Thảo (36 tuổi, quận Tân Phú) cũng cho đứa lớn chăm đứa nhỏ nếu vợ chồng quay lại công ty vào đầu tháng 10.
Con lớn của chị Thảo học lớp 8, con nhỏ học lớp 2. Đã 2 mùa tựu trường, các con phải tự học online nên việc này không còn xa lạ. Tuy vậy, chị sợ rằng vợ chồng mình ra ngoài sẽ là nguồn lây bệnh nên chọn phương án cho các con sinh hoạt trong phòng riêng.
Thay vì 6h30 mới dậy như trước đây, vợ chồng chị Thảo sẽ dậy sớm hơn một giờ đồng hồ. Chị chuẩn bị thức ăn, đồ chơi, quần áo để hai con vừa chơi, vừa học và hạn chế gặp mặt các con.
"Ở cùng nhà nhưng tôi hạn chế tiếp xúc. Cả tuần nay vợ chồng đã tập huấn cho 2 cu cậu và các con ý thức rất tốt. Tôi nhận ra các con trưởng thành hơn", chị Thảo cho hay.
Khi đi làm ở công ty, chị Thảo dự tính gọi về vào trưa và chiều để nhắc nhở hai con ăn uống, ngủ trưa. Chị sẽ quan sát qua camera những hoạt động trong nhà nhưng đây chỉ là biện pháp cấp bách vì các con không muốn bị mẹ "theo dõi".
Điều chị Thảo lo nhất là các con xa bố mẹ, không được gặp gỡ thầy cô, bạn bè có thể khiến tâm lý bị ảnh hưởng.
Những đứa trẻ trong lúc học online có thời gian vui chơi cùng ông bà của mình. Ảnh minh họa: Việt Linh. |
May mắn hơn hai gia đình trên, vợ chồng chị Ngọc Lan (31 tuổi, TP Thủ Đức) sẽ nhờ bà ngoại chăm hộ cô con gái 2 tuổi của mình. Chị Lan công tác trong ngành dịch vụ nên khó có thể duy trì làm online. Công ty đã lên danh sách cho người mẹ này đi làm lại nếu thành phố cho phép mở cửa hoạt động.
Đợt dịch trước đó, bà ngoại cũng là "cứu cánh" cho gia đình những lúc 2 vợ chồng đi làm. Nay khi thành phố nới lỏng các biện pháp giãn cách, vợ chồng chị Lan dự tính đón bà từ quận Bình Thạnh qua ở cùng.
"Công việc của mẹ tôi đang tạm dừng, bà đã được tiêm 2 mũi vaccine nên việc qua nhà tôi vẫn sẽ đảm bảo an toàn cho cả bà và cháu. May có bà chứ không có thể tôi sẽ tạm nghỉ việc vì không có ai chăm con", chị Lan chia sẻ.
Xin tiếp tục làm việc online
Con còn quá nhỏ chưa thể tự lập, những đôi vợ chồng trẻ không có người thân ở thành phố để gửi nhờ thì tính đến việc xin tiếp tục làm việc online hoặc gửi con về quê.
Chị Lê Phương (28 tuổi, TP Thủ Đức) có con nhỏ 3 tuổi. Hiện công ty chị Phương đã lên phương án đi làm lại nhưng trường học của con thì chưa mở cửa để đón trẻ. Năm ngoái, mẹ bỉm sữa thuê một cô giáo tới nhà dạy con nhưng năm nay vì lo sợ dịch bệnh nên chị Phương vừa chăm con, vừa làm việc.
Thời điểm này, chị Phương lo ngại lây nhiễm nên không thuê người giúp việc và giáo viên dạy tại nhà. Trong khi ông bà đã lớn tuổi không thể chăm con giúp, người phụ nữ này mong có chính sách ưu tiên cho người có con nhỏ để vừa có thu nhập, vừa hạn chế lây nhiễm bệnh.
"Hai vợ chồng tôi bàn nhau nếu công ty yêu cầu đi làm lại thì một người đi làm, một người làm việc online và chăm con. Lo nhất là đi làm rồi vô tình lây bệnh cho con, nhưng nếu mở cửa trường học lại tôi vẫn chưa sẵn sàng cho con đi học", chị Phương nói về những băn khoăn của mình.
Chị Lê Phương mong có chính sách làm việc ưu tiên cho người có con nhỏ để vừa có thu nhập, vừa hạn chế lây nhiễm bệnh. Ảnh: NVCC. |
Chị Thục Đoan (31 tuổi, quận Gò Vấp) có con nhỏ 5 tuổi và đang mang thai tháng thứ 6. Nhiều tháng nay, vợ chồng chị Đoan ở nhà chăm con, nhưng sang tuần, có thể hai vợ chồng phải đi làm trở lại trong khi con gái vẫn chưa được đến trường.
Chị Đoan đã xin công ty cho làm việc tại nhà thời gian tới và được đồng ý. Để con tự chơi mà bản thân có thời gian thời gian tập trung vào công việc, một tuần nay vợ chồng chị Đoan đã rèn cho cô con gái nhiều kỹ năng.
"Tôi hay thủ thỉ trò chuyện nên con cũng rất hiểu. Khi nào thấy mẹ không ngồi vào bàn làm việc thì con mới đòi bế hay chơi cùng, còn những lúc tôi làm việc con tự giác chơi rất ngoan", chị Đoan kể lại.
Bên cạnh đó, chị Đoan còn dạy con tự vệ sinh cá nhân, tự xúc cơm ăn. Chị không cho con xem tivi hay điện thoại mà mua thêm đồ chơi, bút màu để con lắp ráp, vẽ tranh. Nhờ sự "hợp tác" của cô con gái nhỏ nên chị Đoan luôn hoàn thành được tiến độ công việc.
Bên cạnh đó, nhiều người ở TP.HCM không sắp xếp được công việc đang tìm cách gửi con về quê tránh dịch.
Anh Đăng Văn (34 tuổi, TP Thủ Đức) và vợ đang chờ thông tin từ thành phố để có phương án về quê. Mùa dịch, vợ anh Văn có thể làm việc online, còn anh phải lên công ty hàng ngày. Vì lo lắng việc ra ngoài tiếp xúc với nhiều người có thể lây bệnh cho vợ con, cộng với không gian chật hẹp ở thành phố cũng khiến các con bí bách nên gia đình anh Văn dự tính sẽ về quê "lánh dịch".
"Nếu sau ngày 1/10 vợ vẫn có thể tiếp tục làm việc online thì tôi tính cho vợ và các cháu về nội. Đứa nhỏ thì mới học mầm non nên không ảnh hưởng nhiều, đứa lớn thì học chậm một năm cũng không sao, quan trọng là sức khỏe", anh Văn bộc bạch.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.