Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phòng thí nghiệm của cậu bé Leonardo da Vinci

Leonardo da Vinci coi căn phòng đó là kho báu, tài sản quý giá mà cậu mất nhiều công sức mới có được.

Một buổi sáng, khi vừa mặc quần áo xong và uống hết cốc sữa bà đưa, Leonardo chợt nghe thấy tiếng bố gọi. Cậu không hiểu có chuyện gì nhưng cậu chợt nhớ đến cuộc họp gia đình diễn ra trong phòng làm việc của bố.

Cậu ít khi ngó vào cánh cửa đó, nơi cậu luôn cảm thấy lạnh lẽo. Căn phòng này chủ yếu dùng để tiếp khách, ngày nào cũng vậy, khách khứa đến rất đông. Họ không chỉ là những người ở Vinci mà còn từ các nơi khác đến để hỏi ý kiến của ông.

Bước vào phòng làm việc, Leonardo dừng lại đợi bố cậu lên tiếng. Tuy đã cố giữ bình tĩnh, tim cậu vẫn đập rất mạnh. Tay cậu hơi run, cậu không biết bố sẽ trách mắng mình điều gì.

Ke chuyen cuoc doi nhung thien tai  anh 1

Sách Leonardo da Vinci - thiên tài toàn năng thuộc bộ sách Kể chuyện cuộc đời các thiên tài. Nguồn: Tân Việt Books

Ngồi trong chiếc ghế bành bọc da, với ánh mắt nghiêm nghị, kính kẹp trên mũi, vẻ mặt ông Piero trông rất nghiêm trọng. Việc bà cậu và mẹ Albiera cũng có mặt ở đó càng làm cho bầu không khí trở nên căng thẳng hơn. Lúc này, bố cậu mới từ tốn nói:

- Thế là cả nhà ta đã có mặt đông đủ. Hôm nay, bố sẽ cho con biết quyết định của bố.

Leonardo ngồi trên cái bục nhỏ, chân để bên cạnh chiếc ghế bành bọc da của bố. Cậu nhìn bố với vẻ mặt lo lắng và đầy bất an.

Sau khi nói ngắn gọn về quyết định gửi con đi học, ông Piero hài lòng nhìn hai người phụ nữ ngồi trên chiếc ghế dài. Họ im lặng và đang rất bối rối.

[…]

Ngừng một lát, ông Piero nói tiếp:

- Sau vài ba năm nữa, gia đình mình cũng phải dọn đến Florence thôi. Leonardo này, bố rất quan tâm đến việc học của con. Bố chỉ sợ ở đây tính hiếu động của con sẽ khiến con không được học hành đến nơi đến chốn.

Florence là nơi bắt nguồn mọi kiến thức, con sẽ sớm trưởng thành ở một nơi như thế. Có lẽ bố cũng sẽ đến Florence để xây dựng cơ nghiệp. Ở cái làng nhỏ bé này, dù có cố gắng đến đâu, bố cũng chẳng kiếm được là bao… Nhưng kìa, có khách đến rồi, bố phải làm việc thôi.

Thật khó tưởng tượng khi một cậu bé hiếu động như Leonardo phải ngồi sau bàn học. Nhưng Leonardo khá ngoan ngoãn và ham hiểu biết. Làm thế nào đây khi Leonardo thuận tay trái mà phải viết bằng tay phải? Bao nhiêu câu hỏi được đặt ra với cậu bé Leonardo.

Leonardo học tiếng Latinh khá nhanh, mãi về sau cậu mới biết nó khó học như thế nào. Cậu nghe nói những người học ở Ý đều phải nói và viết thông thạo thứ tiếng cổ này.

Tất cả sách vở của các nhà bác học đều được viết bằng tiếng Latinh. Kể cả trong những cuốn sổ chứng nhận khi làm phép rửa tội, người ta cũng thường ghi tên trẻ sơ sinh bằng tên của những người Hy Lạp và La Mã cổ đại nổi tiếng.

Xen kẽ giữa các buổi học ở trường là những buổi học “gạo” của một đám học trò nhỏ như cậu. Leonardo vừa ngáp vừa ê a những từ ngữ lạ tai, cậu buồn bã ngắm nhìn bầu trời bên ngoài cửa sổ và lắng nghe những âm thanh ồn ào, náo nhiệt từ phố xá vọng vào.

Khi đó, vị tu sĩ già đang cầm chiếc thước kẻ để đánh nhịp cho lũ học trò đọc theo, đôi khi ông còn quật đen đét vào tay cậu học trò nào lơ đãng. Có một lần, Leonardo đã bị thầy vụt vào tay khi cậu quên mất rằng mình phải viết bằng tay phải chứ không phải tay trái.

Thỉnh thoảng thầy giả vờ không nhìn thấy Leonardo viết bằng tay trái và để mặc cậu muốn viết bằng tay nào thì viết. Việc cậu ngoan ngoãn, chăm chỉ luôn thể hiện sự cố gắng đã làm cho ông quên mất phải vụt cái thước kia khi biết cậu viết bằng tay trái.

Ở trường, cậu không chỉ học tiếng Latinh mà còn học rất nhiều môn khác. Cậu là học trò xuất sắc trong tất cả các môn học. Không những vậy, cậu còn tìm hiểu thêm về khoa học, xã hội và nghệ thuật.

“Leonardo, cứ như thể con đang chơi chứ không phải đang học”. Mẹ Albiera thường nói vậy, không ra trách mắng mà cũng không phải khen ngợi. Lúc nào mẹ Albiera cũng hỏi: “Con đang làm gì ở dưới hầm thế, Leonardo?”.

Leonardo không bao giờ che giấu việc mình đang làm, cậu thường dẫn mẹ Albiera xuống hầm. Cậu coi tầng hầm là cả một kho báu, đó là tài sản quý giá mà cậu mất nhiều công sức mới có được.

Dưới hầm nhà tối om, cậu cất rất nhiều thứ lỉnh kỉnh, cậu coi đây là phòng thí nghiệm của riêng mình: Hộp sắt, hộp gỗ, hộp giấy và trong những chiếc hộp đấy là cả một thế giới côn trùng.

Những con côn trùng đang bò lổm ngổm trong những chiếc hộp lót đầy cỏ, rêu và lá. Chúng trèo lên lưng nhau định bò ra ngoài nhưng cũng có rất nhiều con bị chết. Khi nhìn thấy những con bọ hung, con rết, con sâu đất... mẹ Albiera nhăn mặt nói với cậu:

- Con cất giữ cái gì mà gớm ghiếc thế kia? Trông mấy con côn trùng mới khủng khiếp làm sao! Chúng mà bò vào tai là chết đấy!

Leonardo phì cười:

- Không phải như thế đâu, mẹ ạ! Con biết rất rõ loài côn trùng này.

- Thế con cần đến chúng để làm gì?

Leonardo trả lời một cách nghiêm túc:

- Con đếm chân chúng này, đếm râu chúng này, con xem con nào có cánh và cánh của chúng được cấu tạo như thế nào và chúng khác nhau ra làm sao.

Đấy, mẹ biết không, con nhìn lũ ruồi kia mãi mà không hiểu tại sao lại khó bắt chúng đến thế. Bây giờ con đã biết được rồi đấy. Hóa ra chúng có thể bay nhanh là vì mắt chúng rất to mẹ ạ.

Leonardo còn giải thích rất nhiều cho mẹ Albiera nghe. Nhưng mẹ Albiera có vẻ không hiểu lắm. Nàng nhìn quanh, nheo mũi lại rồi nói:

- Thôi, chúng ta ra vườn chơi đi, ở đây mẹ thấy sợ lắm. Ở trong vườn cũng có đầy đủ mọi thứ cho con xem mà.

Câu chuyện về thiên tài truyền cảm hứng cho thiếu nhi

Bộ sách “Kể chuyện cuộc đời các thiên tài” như người bạn giúp độc giả nhỏ tuổi có thêm động lực vươn tới ước mơ đẹp, hoài bão lớn.

Rasmus Hoài Nam / Tân Việt Books / NXB Thanh niên

SÁCH HAY