Leonardo da Vinci, Thomas Edison, Beethoven hay Lev Tolstoy... là những thiên tài, làm giàu cho khối óc của nhân loại. Họ được nhiều bạn trẻ biết đến.
Tám cuốn sách trong bộ Kể chuyện cuộc đời các thiên tài với lối viết đậm chất văn học, đi sâu vào khai thác những câu chuyện thú vị, giàu tính nhân văn của những tên tuổi đó.
Từng câu chuyện được Rasmus Hoài Nam biên soạn, truyền cảm hứng, đưa các em nhỏ đến với chân trời kiến thức về nhân sinh quan, thế giới quan và bài học thành công.
Bộ sách Kể chuyện cuộc đời các thiên tài. Ảnh: H.T. |
Alfred Nobel và bản di chúc bất hủ
Cuốn sách gồm những câu chuyện viết về cuộc đời của Alfred Nobel (1833-1896). Ông là nhà hóa học, kỹ sư, sản xuất vũ khí, thuốc nổ và triệu phú người Thụy Điển.
Con đường tới thành công của Alfred trải đầy bi kịch. Ông từng có tuổi thơ đau yếu, sống xa gia đình và vài lần thất bại tới mức phá sản. Nhưng niềm tin đã nuôi dưỡng ý chí, giúp ông thành công.
Cả nhân loại biết đến Alfred không chỉ bởi sự nghiệp, mà còn vì bản di chúc bất hủ được soạn vào những ngày cuối đời trên đất Italy. Ngồi trước biển, ông nhận ra rằng con người ta chẳng còn lại gì sau cái chết, “có chăng chỉ là sự trân trọng từ những người còn sống”.
Suy nghĩ đó thôi thúc ông viết: “Tôi yêu cầu người chấp hành di chúc dùng phương thức chuyển đổi tất cả tài sản của mình thành tiền mặt để tạo ra một quỹ..., sau đó, dùng số tiền của quỹ đầu tư một cách an toàn và tin cậy để sinh lời”.
Quỹ đó sau này được dành cho giải thưởng Nobel, nhằm vinh danh những thiên tài.
Leonardo da Vinci - thiên tài toàn năng
Leonardo da Vinci (1452-1519) là một trong những đại diện xuất sắc của nghệ thuật và khoa học thời kỳ Phục Hưng. Các tác phẩm của ông đạt đến độ chân thực và sống động.
Với lối kể truyền cảm, cuốn sách đưa người đọc đi dọc hành trình từ thời thơ ấu, nơi bắt đầu sự nghiệp, cuộc đời lưu lạc, đến những ngày cuối đời của vị “thiên tài toàn năng” này.
Hai cuốn sách về Andersen và Lev Tolstoy
Những thăng trầm trong cuộc đời và sự nghiệp của Andersen; Lev Tolstoy - nhà văn hiện thực thiên tài là hai cuốn sách kể về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của “ông vua truyện cổ tích” Đan Mạch (Hans Christian Andersen) và đại văn hào người Nga (Lev Tolstoy).
Nếu 9 câu chuyện viết về “những thăng trầm trong cuộc đời và sự nghiệp” của Andersen (1805-1875) giúp người đọc phần nào hiểu hoàn cảnh khiến ông “vùi đầu vào sáng tác”, thì Lev Tolstoy - nhà văn hiện thực thiên tài lý giải bi kịch trong gia đình đại thi hào Nga.
Sinh ra trong gia đình nghèo khó, bố là thợ đóng giày, mẹ giặt giũ thuê, Andersen sớm có niềm say mê lớn với văn học nhờ “tủ sách gồm nhiều cuốn sách quý của bố”.
Cú sốc đến với Andersen khi nhận được tin người mẹ yêu dấu nơi xa không còn nữa. Hấp dẫn độc giả nhí nhất có lẽ là động lực và ý chí kiên cường của nhà văn Đan Mạch khi ông biến cú sốc mất mẹ thành sức mạnh, để rồi nhiều thập kỷ trôi qua, mặc cho sự biến thiên của thời gian, những câu chuyện cổ tích vẫn được yêu mến.
Sách Những thăng trầm trong cuộc đời và sự nghiệp của Andersen bật mí cho bạn nhỏ về các nhân vật đáng yêu trong những câu chuyện cổ tích của nhà văn Đan Mạch này. Ảnh: H.T. |
Còn đối với Lev Tolstoy, ngày tháng sống trong quân ngũ và du ngoạn ở Tây Âu giúp ông hiểu rõ hơn về mọi tầng lớp trong xã hội, sự bất công và số phận của người nghèo khổ. Lòng thương cảm trước hiện thực cứ thế đi vào những trang văn của ông.
Hai cuốn sách có bố cục rõ ràng, lời kể lúc cao trào, khi lại lắng đọng, đưa độc giả đồng hành cùng nhân vật từ thời thơ ấu, hành trình nơi xứ người đến những thành công mà hai nhà văn vĩ đại để lại cho đời.
Tuổi thơ gian khó và nhà khoa học vĩ đại
Isaac Newton (1642-1727) và Albert Einstein (1878-1955) là hai nhà khoa học vĩ đại của nhân loại.
Isaac Newton - nhà khoa học vĩ đại gồm 18 mẩu chuyện viết về cuộc đời đầy biến cố và những công trình khoa học của ông. Điểm thú vị ở đây là không phải nghiên cứu nào của ông cũng đạt thành quả. Quá trình hy sinh để tìm tòi, nghiên cứu và dẫn đến thành công của ông được hé lộ qua nhiều mẩu chuyện.
Nếu như Isaac Newton được biết đến với câu chuyện quả táo và định luật vạn vật hấp dẫn, Einstein được biết đến với thuyết tương đối. Ông đã làm thay đổi quan niệm khoa học đương thời. Tuy vậy, do có xuất thân Do Thái nên ngay từ hồi đi học, ông luôn bị kỳ thị.
16 câu chuyện trong Albert Einstein - tuổi thơ gian khó và cuộc đời khoa học vĩ đại được lược kể theo đúng dòng chảy của thời gian, từ sinh nhật lần thứ 12, những ngày “nhàm chán ở trường trung học”, giải thưởng Nobel, đến “cơn bão đố kỵ” và những năm cuối đời.
Thomas Edison - thiên tài bắt đầu từ tuổi thơ
Là tượng đài khổng lồ, Thomas Edison (1847-1931) có tới 1.500 phát minh được cấp bằng sáng chế.
31 câu chuyện trong cuốn sách là hành trình đầy kịch tính, có nút thắt đưa người đọc đến những cao trào nhưng cũng đầy hóm hỉnh, khi kể về những lần gây họa của cậu bé Edison ở phòng thí nghiệm của lớp.
Tuổi thơ ông bị nhiều người đánh giá là đứa trẻ hư hỏng, điên khùng. Điều này khiến người mẹ rất tức giận và quyết định dạy con học tại nhà, rèn cho Edison phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Đoạn đường bà dạy con có lẽ là phần hấp dẫn bạn đọc nhỏ tuổi hơn cả.
Marie Curie -nhà nữ khoa học kiệt xuất
Nổi lên trong bộ sách Kể chuyện cuộc đời thiên tài là câu chuyện về người phụ nữ được đánh giá là nhà khoa học kiệt xuất, lọt vào danh sách 100 phụ nữ làm thay đổi thế giới do BBC History bình chọn: Marie Curie (1867-1934).
Đọc cuốn sách, độc giả có thể thấy tư duy thiên bẩm của bà được bộc lộ ngay từ nhỏ. Từ khi gặp gỡ người chồng - Pierre Curie - hai người làm việc gần như không có ngày nghỉ. Cống hiến đó giúp bà được nhận giải Nobel Vật lý và Hóa học.
Từng có những ngày tháng túng thiếu và mất mát, khi đạt được thành công thì lại chịu sự đố kỵ, nhưng trên tất cả, mạch nguồn cảm xúc của câu chuyện mang đến cho người đọc ánh nhìn đầy ngưỡng mộ.