Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, yêu cầu Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước xem xét, giải quyết và trả lời cho bà Chu Thị Bình – khách hàng mất 245 tỷ đồng tiết kiệm tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).
Văn phòng Chính phủ cho biết đã nhận được đơn gửi Thủ tướng phản ánh, kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc xử lý vụ việc và tiền gửi tiết kiệm của bà Chu Thị Bình tại Eximbank chi nhánh TP.HCM.
Bà Chu Thị Bình, khách hàng mất hơn 245 tỷ đồng tiết kiệm tại Eximbank cho biết vụ việc đã kéo dài từ đầu năm 2017. Ảnh: Trương Khởi. |
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình, Văn phòng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật và trả lời cho bà Chu Thị Bình.
Như Zing.vn đã thông tin, đầu năm 2017, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Eximbank Chi nhánh TP.HCM.
Cụ thể, ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó giám đốc Chi nhánh TP.HCM, đã tranh thủ sự tin tưởng của bà Chu Thị Bình (khách hàng thân thiết của Eximbank) ủy quyền giao dịch tiền gửi tiết kiệm, cùng nhân viên của ngân hàng đến nhà riêng bà Bình để trình bày những khoản đã tất toán dựa theo kỳ hạn gửi của bà Bình.
Thực tế, ông Hưng đã làm giả văn bản người được uỷ quyền để rút tiền từ tài khoản của bà Bình. Cách làm này giúp ông Hưng chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.
Nghi ngờ bị lừa đảo, đầu năm 2017, bà Bình đối chiếu số dư sổ tiết kiệm và phát hiện khoảng 245 tỷ đồng trong nhiều tài khoản đã "bốc hơi". Khách hàng này đã làm việc với ngân hàng, trình báo cơ quan Cảnh sát điều tra phía Nam (C44B - Bộ Công an).
Sau khi vụ việc được phát giác, đầu năm 2018, ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank, cho biết dựa trên thông báo về kết quả điều tra giai đoạn 1 của cơ quan công an, hành vi lừa đảo của ông Hưng xảy ra từ năm 2014. Đến năm 2017, khi phát hiện sự việc, Eximbank đã chủ động gặp bà Bình để tìm hướng tháo gỡ, và cũng chính nhà băng này tố cáo ông Hưng ra cơ quan điều tra C44.
"Vụ lừa đảo có thật. Ông Hưng đã trốn và bị phát lệnh truy nã quốc tế. Trong vụ việc này, qua giám định của C44 thì chữ ký của người uỷ quyền là thật. Chị Bình đã ký sẵn, còn người được uỷ quyền thì trong các chứng từ có cả chữ ký thật và giả. Đến nay quan điểm của ngân hàng vẫn là chờ phán quyết của tòa về vụ án mới được ra hướng xử lý tiếp theo", ông Quyết nói.
Sau nhiều lần gặp gỡ tìm hướng giải quyết, Eximbank đưa ra phương án tạm ứng cho bà Chu Thị Bình "một tỷ lệ nhất định". CEO Eximbank cho hay khoản tiền này là tạm ứng trước mắt để chờ quyết định của toà, sau đó tiếp tục xử lý theo các cơ sở pháp lý tiếp theo.
Tuy nhiên khách hàng cho rằng đó là vô lý và không đồng ý.
Cụ thể, bà Chu Thị Bình nói bà không đồng ý vì phần tỷ lệ mà Eximbank cho là khoản tiền chi trả cho phần chứng từ bị làm giả chữ ký. Tỷ lệ này là 14 tỷ đồng, theo chia sẻ của bà Chu Thị Bình.
Cũng liên quan đến vụ việc, ngày 26/3, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với 5 nhân viên Eximbank chi nhánh TP.HCM, để điều tra hành vi Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Các bị can gồm: Hồ Ngọc Thủy (32 tuổi), Nguyễn Thị Thi (40 tuổi), Nguyễn Thị Ngọc Trâm (34 tuổi) và Trần Nguyễn Xuân Lan (37 tuổi) và Cao Lan Phương.
Trong đó Thủy và Thi bị bắt tạm giam ngày 26/3. Những người khác được cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú để phục vụ công tác điều tra theo quy định pháp luật.
Chia sẻ trên báo chí mới đây, bà Chu Thị Bình cho biết hơn 2 tháng qua, bà đã kiên trì chờ đợi thiện chí và thái độ trách nhiệm của HĐQT, Ban điều hành Eximbank. Tuy nhiên phía ngân hàng đã tìm nhiều lý do khác nhau, kéo lùi thời gian đối chiếu và chốt phương án giải quyết.
Theo quan điểm của bà Chu Thị Bình, Eximbank đang tìm cách xoa dịu bức xúc của bà và áp lực của dư luận, của các cổ đông trước thềm ĐHCĐ thường niên, dự kiến tổ chức ngày 27/4.