Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vụ mất 245 tỷ tại Eximbank: Thỏa thuận giữa ngân hàng và khách vẫn tắc

Liên quan đến vụ mất 245 tỷ đồng tiết kiệm tại Eximbank, các cuộc gặp giữa nhà băng và khách hàng tiếp tục bế tắc. Trong khi khách muốn lấy lại tiền thì NH giữ quan điểm chờ tòa.

Đại gia Chu Thị Bình nói gì vụ mất 245 tỷ đồng tiết kiệm tại Eximbank? Bà Chu Thị Bình nói một năm qua mình đã thiện chí với mong muốn lấy lại tiền gửi. Việc yêu cầu bà chờ phán quyết của tòa án hay chính bà khởi kiện Eximbank để đòi tiền đều vô lý.

Trao đổi với Zing.vn sau buổi làm việc cùng ngân hàng (NH) sáng 6/3, bà Chu Thị Bình (người bị mất 245 tỷ tại Eximbank) nói bà rất bất ngờ khi tại buổi làm việc sáng nay (6/3), Eximbank vẫn giữ quan điểm cũ, là chờ phán quyết của tòa án mà không trả lại tiền như kết luận của cơ quan điều tra. Khách hàng này nói rằng khi vụ việc mới bị phát giác, lãnh đạo cao nhất của NH đã khẳng định sẽ đảm bảo quyền lợi cho khách khi có thông báo từ cơ quan điều tra, nhưng khi cơ quan điều tra có kết luận thì lại lòng vòng chờ ra tòa.

Trong khi đó, theo công văn trả lời bà Bình của Cơ quan cảnh sát điều tra, cơ quan này xác định Eximbank chi nhánh TP.HCM là bị hại trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà ông Lê Nguyễn Hưng (nguyên phó Giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM) đã lập chứng từ giả mạo, chiếm đoạt số tiền hơn 245 tỷ đồng liên quan đến các tài khoản tiết kiệm của bà Bình. Bà Bình được xác định là người có quyền và nghĩa vụ liên quan nên NH phải có trách nhiệm thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định.

'Tiền của tôi, vì sao phải ra tòa?'

Bà Bình nói mình chưa bao giờ căng thẳng với ngân hàng mà rất kiên nhẫn hợp tác suốt một năm qua. Mục đích là rút tiền gửi đúng quy định, vì đó là tiền thật, là mồ hôi nước mắt, tài sản tích cóp của gia đình bà mấy chục năm qua. Tuy nhiên, đến khi có thông báo của cơ quan điều tra thì ngân hàng lại không thực hiện trả lại tiền như cam kết.

"Sau mấy cuộc gặp gần đây, ngân hàng có gửi cho tôi một thư thỏa thuận ứng trước 14,8 tỷ đồng. Nhưng mục đích tạm ứng này là để giải quyết khó khăn của gia đình chứ không liên quan gì đến số tiền ngân hàng đang giữ của tôi. Ban đầu tôi cân nhắc nhận, vì nghĩ đây là một phần trong số tiền của mình, nhưng ngân hàng nói ứng để giải quyết khó khăn thì tôi không đồng ý”, bà Bình nói.

Cũng theo bà Bình, ngân hàng ngay từ đầu đã thể hiện chối bỏ trách nhiệm. Mỗi lần làm việc với nhau lại là một lần hứa vòng quanh của đại diện ngân hàng. Ban lãnh đạo ngân hàng, trực tiếp là ông Lê Văn Quyết (Tổng giám đốc), và bà Bùi Thị Thiện Tâm (Giám đốc chi nhánh TP.HCM) luôn hẹn khi có kết luận điều tra sẽ giải quyết. Đến khi có kết luận của cơ quan điều tra thì lại cho rằng kết luận này chưa đủ, chờ ra tòa.

"Tiền của tôi, vì sao ra tòa? Lãnh đạo NH quản lý nhân viên lỏng lẻo, để nhân viên của mình lừa khách hàng rồi bắt khách phải chịu là vô lý…", bà Bình chia sẻ.

vu mat 245 ty tai Eximbank anh 1
Bà Chu Thị Bình khẳng định bà đã rất thiện chí làm việc với Eximbank suốt một năm qua với mong muốn lấy lại số tiền của mình. Ảnh: Trương Khởi. 

Bà Bình nêu vấn đề niềm tin khách hàng vào hệ thống quản trị rủi ro tiền gửi của NH ra sao nếu cứ khách gửi tiết kiệm bị mất tiền vô cớ mà nhà băng vòng vo trách nhiệm. Còn việc thỏa thuận trả 14,8 tỷ đồng ứng trước để giải quyết khó khăn, theo bà cũng là điều khó chấp nhận. NH xử lý như vậy thì làm sao người dân yên tâm gửi tài sản của mình.

“Giả sử tôi đi vay tiền NH về làm ăn mà bị mất, vậy NH có chờ tôi tìm được người lấy trộm về rồi tôi lấy lại tiền trả cho NH không? Số tiền này rất lớn, cả gia đình tôi làm lụng, tích cóp mấy chục năm nay… Tôi muốn đòi công bằng không chỉ cho tôi mà cho những người từng rơi vào trường hợp như tôi…”, bà Bình bức xúc.

Khi được hỏi tại sao không kiện NH, bà nói nếu bà đi kiện nhà băng để đòi tiền mình gửi tiết kiệm thì quá vô lý. Luật NH đã có, tôi gửi tiết kiệm và đang giữ sổ gốc, đến hạn thì đến rút về. Giờ biểu tôi muốn lấy được tiền thì đi kiện có hợp lý không. Nhưng chúng tôi cũng sẽ có động thái để lấy lại tài sản của mình nếu NH không đưa ra các quyết định tiếp theo phù hợp.

Ngân hàng kiểm soát nội bộ một năm vài lần, sao không phát hiện?

Được hỏi vì sao tiền gửi của mình bị rút suốt thời gian dài mà không hay biết, bà Bình nói bà giao dịch với Eximbank rất sớm. Thời gian đầu chưa có các dịch vụ báo tin nhắn SMS. Đáng tiếc là khi có dịch vụ thì NH cũng không thông báo, không hướng dẫn gì cho bà. NH nói bà là khách hàng VIP, là khách hàng lớn nhất của Eximbank chi nhánh TP.HCM, và ông Hưng có trách nhiệm giao dịch, nhưng việc ông Hưng bỏ ra nước ngoài cả tháng NH cũng không thông báo. Cho đến khi bà đến rút 49 tỷ đồng, được thông báo tiền không còn trên hệ thống, bà mới biết sự vắng mặt của ông Hưng và lộ ra câu chuyện tiền của mình đã bị rút ruột.

Khách hàng này cũng đặt câu hỏi thông thường các giao dịch rút tiền của NH không bao giờ một người thực hiện được mà phải qua nhiều khâu, nhiều người tham gia. Trong khi đó, ông Lê Nguyễn Hưng bỏ qua tất cả các khâu quy định mà vẫn rút được số tiền lớn như thế, NH thường xuyên kiểm soát nội bộ một năm vài lần, tại sao không phát hiện sai phạm?

vu mat 245 ty tai Eximbank anh 2
Khách hàng tố bị mất 245 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm Eximbank cho biết cơ quan công an đã có kết luận yêu cầu ngân hàng giải quyết quyền lợi cho mình nhưng ngân hàng lại yêu cầu ra toà. Ảnh: Trương Khởi.

“Tôi gửi tiền kỳ hạn dài, thường là 12-15 tháng, không bao giờ gửi ngắn, trong khi các sổ của tôi bị rút sau 7 ngày, 15 ngày… tại sao NH không kiểm tra. Họ nói tôi là khách hàng VIP, là khách hàng lớn nhất của Eximbank TP.HCM, tại sao họ không gọi điện hỏi tôi vì sao lại rút tiền trước hạn bất thường như vậy…?”, bà Bình thắc mắc.

Trong khi đó, các luật sư đại diện cho bà Bình cho rằng hiện nay khách hàng đang cảm thấy lo lắng về rủi ro trong bảo vệ tài sản của họ.

Sau rất nhiều cuộc gặp, đến buổi làm việc sáng nay, bà Bình cho rằng thật bất ngờ vì NH vẫn giữ cách tiếp cận cũ, là chờ kết quả tòa án và ứng 14,8 tỷ đồng giải quyết khó khăn. Bà nói mong NH xem xét, giải quyết quyền lợi chứ không muốn giải quyết như cũ. Con số chính xác về số tiền gốc bị chiếm đoạt là hơn 245 tỷ tạm tính, chưa có lãi.

Khách hàng này cũng nói thêm, có người từng đặt câu hỏi bà và ông Hưng có quan hệ làm ăn trong chuyện mất tiền này, nhưng bà nói nghi ngờ là quyền của mọi người, còn mình khẳng định không có bất kỳ quan hệ làm ăn gì với ông Hưng cũng như Eximbank ngoài chuyện gửi tiết kiệm.

"Công việc của tôi rất bận, tôi lo lắng cho công ty không có thời gian để nghỉ, để ăn, thì làm sao tôi có thời gian làm ăn gì nữa", bà Bình nói.

Ngân hàng nói gì?

Chia sẻ với Zing.vn cuối giờ chiều, ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank, cũng thừa nhận buổi làm việc hôm nay cũng như những lần trước và chưa có kết quả gì thêm để gỡ nút thắt này. Điểm mấu chốt là khoản tiền tạm ứng 14,8 tỷ đồng vẫn chưa được hai bên thống nhất. Ông Quyết nói thêm khoản tiền này là gì thì lại là một chi tiết khá sâu trong thông báo kết quả điều tra, cần phải diễn giải một cách rõ ràng mà hai bên phải hiểu.

“Ở đây, NH chỉ căn cứ trên thông báo về kết luận điều tra thì có nhiều khoản, và đây là một khoản trong số đó mà khách phải hiểu, để giải quyết các bước tiếp theo. NH nhìn nhận đây là một vụ án hình sự, liên quan đến nhiều vấn đề và vẫn còn rất lâu dài. Tiền tạm ứng này là trước mắt, trong thời gian chờ làm rõ các hành vi lừa đảo của ông Hưng liên quan tới bà Bình thời gian qua.

Làm việc nhiều nhưng hai bên vẫn chưa thống nhất được khoản này, nhưng NH vẫn bảo lưu kết quả chờ phán quyết của tòa mới có thể xử lý tiếp”, ông Quyết nói.

Trả lời về việc kết luận của cơ quan điều tra trước đó đã xác định NH phải chịu trách nhiệm đảm bảo quyền lợi của khách, ông Quyết cho rằng đây chỉ là thông báo kết quả điều tra ban đầu, về mặt pháp lý thì chưa đầy đủ để có hiệu lực cuối cùng.

"Nếu như kết luận điều tra này có hiệu lực chính thức thì NH tất nhiên phải có trách nhiệm ngay lập tức đối với quyền lợi của khách. Vì vậy cả NH và khách hàng phải làm việc từng bước, trên cơ sở nào cũng phải tôn trọng các quyết định có hiệu lực pháp lý", ông Quyết nói thêm.

245 tỷ đồng của đại gia Chu Thị Bình 'bốc hơi' tại Eximbank thế nào? Gửi tiết kiệm hàng trăm tỷ tại Eximbank giai đoạn 2014-2016, đại gia Chu Thị Bình phát hiện 245 tỷ đồng bốc hơi. Lãnh đạo chi nhánh của ngân hàng nghỉ việc, bỏ trốn.

Tiền tiết kiệm 'bốc hơi': Ở Mỹ, khách được đền trong vòng 24-72 giờ

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, người từng có kinh nghiệm làm việc tại ngân hàng Mỹ, chia sẻ góc nhìn với Zing.vn liên quan đến câu chuyện “bốc hơi” tiền trong sổ tiết kiệm.



Bình Nguyên - Hà Linh

Bạn có thể quan tâm