“Ngay sau khi sự việc, ngân hàng đã rà soát lại toàn bộ hệ thống quản trị tiền gửi để kiểm tra hiện trạng. Vụ mất tiền của bà Chu Thị Bình đáng tiếc lại nằm trong trường hợp không đăng ký dịch vụ nhận thông tin biến động số dư”, ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank, cho biết khi được hỏi về trường hợp khách hàng mất 245 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm tại ngân hàng.
Đại diện ngân hàng này cho hay đã cung ứng dịch vụ tra cứu số dư tiền gửi, sổ tiết kiệm còn kỳ hạn qua tin nhắn SMS từ lâu. Nhưng việc sử dụng hay không lại tuỳ thuộc vào khách. Khách hàng trong vụ việc mới nhất liên quan tới 245 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm "bốc hơi" đã không sử dụng dịch vụ này. Do vậy, thông tin trong sổ tiết kiệm không được kiểm soát.
Ồ ạt mở thêm dịch vụ kiểm tra sổ tiết kiệm
Sau hàng loạt vụ tiền mất tiền do chênh lệch số dư trong sổ tiết kiệm và hệ thống corebanking, nhiều ngân hàng đã đồng loạt đưa vào sử dụng dịch vụ kiểm tra số dư sổ tiết kiệm.
Cả MaritimeBank và Sacombank mới đây đã thông báo cho phép khách hàng tra cứu tiền gửi tiết kiệm trực tuyến bằng dịch vụ mới từ ngày 1/3.
Tại Sacombank, khách hàng có hai cách tra cứu: nhập số tài khoản thẻ tiết kiệm trên website hoặc sử dụng ngân hàng điện tử nếu đã dùng dịch vụ InternetBanking của ngân hàng.
Thông qua hai cách này, hệ thống sẽ hiển thị đầy đủ các thông tin như số tài khoản, tên sản phẩm, số tiền gửi, kỳ hạn, ngày đáo hạn, lãi suất… của tất cả thẻ tiết kiệm khách hàng mở tại Sacombank.
Còn tại MaritimeBank, phương thức kiểm tra sổ tiết kiệm trực tuyến mới sẽ được áp dụng cho những khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy và không sử dụng ngân hàng điện tử, bên cạnh khách hàng dùng Internet Banking. Đại diện ngân hàng thông tin người dùng có thể kiểm tra mà không cần thực hiện bất kỳ thủ tục đăng ký nào.
Khách hàng có thể kiểm tra thông tin sổ tiết kiệm trên hệ thống ngân hàng bằng nhiều cách khác nhau. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang. |
Trước đó, OceanBank cũng đưa ra khuyến cáo khách hàng dùng dịch vụ kiểm tra số dư sổ tiết kiệm qua SMS sau vụ việc hơn 400 tỷ đồng tiền tiết kiệm "bốc hơi" tại chi nhánh Hải Phòng.
Ngân hàng phải chủ động, không chờ khách đăng ký
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho hay, suốt hai năm qua, NHNN đã phối hợp cùng các ngân hàng thương mại rà soát lại toàn bộ hệ thống kể cả huy động lẫn cho vay.
NHNN đã nhiều lần đưa ra cảnh báo, và đa số các tổ chức tín dụng đều tuân thủ việc đảm bảo an toàn tiền tệ trong hoạt động gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, vẫn có một vài sự việc hy hữu xảy ra.
Theo ông Minh, qua vụ việc tại Eximbank, NHNN cũng khuyến nghị khách hàng thường xuyên kiểm tra số dư, thông tin tài khoản ở các ngân hàng, kể cả cho vay hay tiền gửi. Hầu hết ngân hàng đều có dịch vụ kiểm tra biến động số dư thông qua tin nhắn, hay tự kiểm tra tài khoản theo nhiều hình thức khác nhau, khách nên đăng ký.
Không xảy ra hiện tượng mất tiền trong sổ tiết kiệm nhưng nhiều ngân hàng vẫn khuyến cáo khách hàng thường xuyên kiểm tra thông tin sổ tiết kiệm của mình. Ảnh minh họa: Ngô Minh. |
"Đối với giao dịch thì nên giao dịch trực tiếp tại ngân hàng, không nên giao dịch bên ngoài, dễ có những rủi ro tiềm ẩn. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn cho hệ thống, thì ngân hàng thương mại nên xem việc thông báo biến động tài khoản là trách nhiệm của mình chứ không cần chờ đến khách hàng đăng ký để lấy phí dịch vụ", ông Minh nói thêm.
Còn theo TS. LS. Bùi Quang Tín, không phải các ngân hàng "mất bò mới lo làm chuồng" mà dịch vụ cho phép khách hàng tra cứu số dư tài khoản đã được các tất cả ngân hàng áp dụng từ rất lâu thông qua Internet Banking hay Mobile Banking. Tra cứu số dư sổ tiết kiệm chỉ là một dịch vụ phái sinh của các dịch vụ trước đó.
Ông Tín cũng cho biết từ trước, khách hàng muốn tra cứu thông tin sổ tiết kiệm trực tuyến vẫn có thể xem được. Tuy nhiên, các ngân hàng thường cho phép khách hàng hoặc sử dụng hoặc là không nên nhiều khách hàng không rõ về việc ngân hàng có dịch vụ tra cứu số dư trong tài khoản tiết kiệm.
Theo ông Tín, việc các ngân hàng đưa thêm dịch vụ mới giúp người dùng dễ dàng tra cứu thông tin sổ tiết kiệm là cần thiết, là thứ mới, giúp khách chủ động hơn.