Phó thủ tướng Lê Minh Khái. Ảnh: Thư Trần. |
Sáng 25/3, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức chuỗi sự kiện Khởi động - kết nối - phát triển mới, công bố thỏa thuận, chứng nhận đầu tư với các đối tác trong và ngoài nước đối với lĩnh vực phát triển công nghiệp, hạ tầng, chuyển đổi số, du lịch nghỉ dưỡng...
"Với đầy đủ tiềm năng, lợi thế, Bình Dương hướng đến trở thành trung tâm tri thức, kinh tế - tài chính, công nghiệp - đô thị - dịch vụ hiện đại của khu vực", Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhìn nhận sau khi tham quan khu công nghiệp VSIP.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước khó khăn, Phó thủ tướng đề nghị Bình Dương cần lắng nghe, tiếp thu, huy động sức mạnh tập thể để có cách làm đổi mới; đặc biệt bình tĩnh để đưa ra cách làm phù hợp.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu địa phương tiếp tục xác định xây dựng hệ thống hạ tầng hiện đại là chìa khóa quan trọng trong liên kết vùng; giảm áp lực giao thông đường bộ. Từ đó, hiệu quả sản xuất, kinh doanh các thành phần kinh tế được nâng cao.
"Khai thác tốt hơn nữa lợi thế có sẵn về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, hạ tầng khu công nghiệp đầu tư đồng bộ cùng lực lượng lao động dồi dào", Phó thủ tướng lưu ý.
Đặc biệt, thời gian tới, lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo toàn địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn đối với từng dự án, chú trọng công tác giải phóng mặt bằng.
Dự án mở rộng quốc lộ 13 đoạn từ nút giao đại lộ Tự Do đến ngã tư Lê Hồng Phong (Bình Dương). Ảnh: Quỳnh Danh. |
Ông Khái nhìn nhận Bình Dương là một trong những địa phương làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, nhận được sự đồng thuận lớn từ người dân, tình trạng khiếu nại, phản ánh rất ít.
Phó thủ tướng đánh giá Bình Dương có thể được xem là hình mẫu giải phóng mặt bằng và khuyến khích các tỉnh, thành trao đổi nghiên cứu với địa phương để đạt tỷ lệ giải ngân tốt.
Theo đó, ông nhấn mạnh địa phương lưu ý việc sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước, có sự dẫn dắt nguồn lực trong và ngoài nước, giải ngân vốn đầu tư công.
"Kiên quyết không để dự án giao vốn, nhưng không được giải ngân hoặc không giải ngân vốn được giao, trong khi nhiều dự án quan trọng chưa được bố trí vốn", Phó thủ tướng Lê Minh Khái quán triệt.
Đồng thời, địa phương tiếp tục tháo gỡ khó khăn, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và cùng vượt qua thách thức, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển hạ tầng tỉnh; tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp hiện đại.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết đứng trước yêu cầu mới, khắt khe của thị trường trong thời gian tới, Bình Dương đang tái định hình mô hình phát triển theo hướng chuyển đổi mô hình phát triển công nghiệp công nghiệp - đô thị sang - dịch vụ thông minh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh phát biểu tại hội nghị sáng 25/3. Ảnh: Thư Trần. |
Mô hình chú trọng nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu; xây mới khu công nghiệp xanh thông minh, với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ như IOT, big data.
"Chuyển đổi mô hình thông minh giúp địa phương bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị công nghiệp, đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư, lao động trong nước và quốc tế trong tiến trình hội nhập toàn diện", Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nói.
Tại hội nghị, UBND tỉnh Bình Dương cũng chủ trì ký kết ghi nhớ nghiên cứu hợp tác phát triển với các địa phương; hợp tác chiến lược giữa Tổng công ty Becamex và Tập đoàn Đèo Cả cho lĩnh vực hạ tầng giao thông trên địa bàn.
Việc hợp tác được kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đối với các địa phương thông qua hoạt động sản xuất, tạo ra sản phẩm giá trị cao, tạo việc làm; phát triển các khu đô thị mới nâng chất lượng sống cho người dân.
Bình Dương hiện có 29 khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích gần 13.000 ha, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 90%. Địa phương nằm trong nhóm dẫn đầu vùng và cả nước về thu hút đầu tư trong và ngoài nước, được kỳ vọng tiếp tục là nền tảng bền vững về kinh tế - xã hội, phát triển trong tương lai.
Bình Dương ký kết ghi nhớ nghiên cứu hợp tác phát triển với các địa phương. Ảnh: Thư Trần. |
Những cuốn sách hay về miền Nam
Đế quốc An Nam và người dân An Nam - bên cạnh thông tin tổng quan về địa lý, sản vật, tập quán ở nước ta hồi thế kỷ XIX, nhiều thông tin quan trọng về sông Mekong, địa lý Đàng Ngoài và Đàng Trong, nhất là Sài Gòn xưa, được ghi chép chi tiết.
Ký họa về Đông Dương - Nam Kỳ là một bộ tranh gồm hàng trăm bức ký họa có giá trị nghệ thuật đặc sắc, phản ánh trực quan, sinh động về đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa ở Sài Gòn và Nam Kỳ đầu thế kỷ XX.