Từ một tỉnh nông nghiệp, Bình Dương vươn lên dẫn đầu cả nước về tăng trưởng và phát triển kinh tế, các ngành công nghiệp lẫn về tốc độ thu hút vốn đầu tư FDI.
Đáng chú ý, việc đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế đã giúp địa phương này khai thác hiệu quả nguồn lực ngoài nước.
"Một trong những thành tựu nổi bật của Bình Dương là áp dụng thành công mô hình, kinh nghiệm quản lý hiện đại của nước ngoài vào quy hoạch xây dựng, phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp của tỉnh", ông Lê Phú Hòa, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Dương, nói về tầm nhìn đối ngoại trong chiến lược phát triển bền vững của tỉnh xuyên suốt hơn hai thập kỷ qua.
Dấu ấn bứt phá
Nhiều năm qua, Bình Dương duy trì mức tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân 9,31%/năm; thị trường xuất khẩu được mở rộng. Cơ cấu mặt hàng cũng chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, từng bước xuất khẩu một số sản phẩm công nghệ tiên tiến, hiện đại. Bình Dương hiện là một trong số ít tỉnh, thành luôn đạt tỷ lệ xuất siêu của cả nước.
Bên cạnh đó, địa phương cũng là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trên thế giới khi ghi nhận 4.076 dự án đầu tư của các doanh nghiệp đến từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký hơn 39,6 tỷ USD.
Dẫn chứng tiếp cho thành quả từ hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư, ông Lê Phú Hòa cho biết đến nay, toàn tỉnh hiện có 30 khu công nghiệp đã và đang đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 13.700 ha, trong đó có những khu công nghiệp đã trở thành mô hình kiểu mẫu như Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, Khu công nghiệp Mỹ Phước, Bàu Bàng...
Nâng tầm hợp tác song phương, mở rộng đa phương khi xây TP thông minh đã tạo nên bứt phá trong hội nhập của Bình Dương.
Ths Lê Phú Hòa
Bên cạnh đó, Khu liên hợp Công nghiệp, dịch vụ và đô thị Bình Dương hơn 6.000 ha được hình thành, với 1.000 ha phát triển thành phố mới Bình Dương - trung tâm chính trị, văn hóa và đô thị hiện đại, một điểm nhấn của Bình Dương trong tiến trình hội nhập.
"Việc nâng tầm hợp tác song phương, mở rộng hợp tác đa phương trong quá trình thực hiện đề án Thành phố thông minh Bình Dương đã tạo ra những bước tiến bứt phá trong quá trình hội nhập quốc tế của địa phương", ông Hòa nhận định.
Diện mạo TP Thủ Dầu Một (Bình Dương). Ảnh: Quỳnh Danh. |
Nhìn lại chặng đường hơn hai thập kỷ, cựu lãnh đạo này nhìn nhận Bình Dương rất nỗ lực xúc tiến thương mại. Đặc biệt là giai đoạn 2010 đến 2020 - những năm đầy thành công ấn tượng của Bình Dương trong hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế.
Không chỉ có vậy, hoạt động đối ngoại của Bình Dương còn ghi dấu ấn trong quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương kết nghĩa trên thế giới.
Đến nay, Bình Dương thiết lập mối quan hệ hợp tác hữu nghị với 10 địa phương của các nước, bao gồm: tỉnh Kratie (Campuchia), tỉnh Chămpasắc (Lào), thành phố Daejeon (Hàn Quốc), thành phố Quảng Châu (Trung Quốc), vùng Emilia - Romagna (Ý), tỉnh Yamaguchi (Nhật Bản), tỉnh đông Flanders (Bỉ), thành phố Eindhoven và Emmen (Hà Lan), tỉnh Oryol (Nga).
Cơ hội từ hội nhập
TS Nguyễn Văn Vẹn, giảng viên Đại học Tài chính Marketing, nhìn nhận trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, việc mở rộng quan hệ đối ngoại sẽ là kênh tiếp cận quốc tế quan trọng, giúp Bình Dương tìm kiếm thêm cơ hội thu hút đầu tư, tạo ra động lực tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Bên cạnh đó, thu hút đầu tư tốt sẽ giúp Bình Dương tạo ra môi trường sống hiện đại. Từ nền tảng ấy, người dân có nhiều cơ hội tốt hơn để theo đuổi các cơ hội phát triển cá nhân, tham gia vào các mối quan hệ cộng đồng.
Vị chuyên gia cũng cho rằng các chiến lược mới của Bình Dương được kỳ vọng sẽ là động lực tạo ra thành tựu mới về kinh tế và xã hội trong tương lai, mỗi danh mục đầu tư có những đặc điểm, đặc biệt, khác biệt riêng để tạo ra giá trị. Trong đó, kinh tế sáng tạo sẽ là lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh quốc tế và phát triển bền vững.
Thu hút đầu tư nước ngoài của Bình Dương đứng thứ 2 cả nước chỉ sau TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh. |
"Những dự án ở Bình Dương trong tương lai cũng tạo ra lợi thế chung về tăng trưởng kinh tế khu vực trọng điểm kinh tế phía nam, là động lực, nền tảng cho sự đổi mới lan tỏa về kinh tế, chính sách, văn hóa, ngành công nghiệp sáng tạo của toàn vùng", theo TS Nguyễn Văn Vẹn.
Tuy nhiên, chuyên gia nhận định quá trình mở rộng quan hệ đối ngoại quan hệ quốc tế của tỉnh còn nhiều thách thức, xuất phát từ tình hình chính trị quốc tế phức tạp.
TS Vẹn cho rằng để đón đầu những khó khăn này, Bình Dương cần đổi mới tư duy sáng tạo khi triển khai quan điểm đối ngoại trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến chuyển lớn.
Bên cạnh đó, địa phương cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, chương trình mở rộng đối ngoại quan hệ quốc tế gắn với thu hút đầu tư, tạo ra động lực tăng trưởng nhanh và bền vững, đặc biệt là lĩnh vực thu hút đầu tư ưu tiên dự án xanh, bảo vệ môi trường; thúc đẩy liên minh, mở rộng ngoại giao, quốc tế hóa doanh nghiệp địa phương.
Những dự án ở Bình Dương trong tương lai cũng thúc tăng trưởng kinh tế chung cả vùng trọng điểm phía nam.
TS Nguyễn Văn Vẹn
Mặt khác, Bình Dương cần mở rộng đối ngoại, tham gia mạng lưới dòng vốn quốc tế và cuối cùng là tiếp cận thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài.
Nhiều năm qua, tầm nhìn Chiến lược ngoại giao liên thành phố của Bình Dương đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và ghi nhận. Bốn năm liền, Bình Dương được Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới ICF vinh danh top 21 các thành phố có chiến lược phát triển thông minh tiêu biểu. Đặc biệt năm 2021, Bình Dương được vinh danh trong top 7 trên hơn 200 thành phố trên toàn thế giới.
Thông qua các hội nghị, hội thảo xúc tiến thương mại đầu tư và các cuộc gặp gỡ với các đoàn ngoại giao, các Hiệp hội và nhà đầu tư, Bình Dương đã giới thiệu, quảng bá về tiềm năng phát triển kinh tế thương mại của địa phương, đồng thời tìm kiếm cơ hội thúc đẩy hợp tác với các đối tác trong ứng dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại để phát triển nền kinh tế công nghiệp và phát triển đô thị của tỉnh.
Tiếp tục mở rộng đối ngoại phục vụ cho phát triển kinh tế cũng là một trong các yêu cầu đặt ra trong định hướng phát triển của tỉnh Bình Dương trong giai đoạn mới. Hình ảnh một Bình Dương năng động đã và đang thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, giúp địa phương trở thành một tỉnh công nghiệp trọng điểm tại Việt Nam.
Trước sự bùng nổ của khoa học - công nghệ, nhiều mô hình kinh doanh ra đời, cùng với đó là những thách thức đan xen cơ hội mới sau đại dịch Covid-19, tỉnh Bình Dương xác định: Không ngừng thực hiện các chiến lược đột phá kinh tế - xã hội, tiếp tục quyết liệt phát triển đề án thành phố thông minh lên tầm cao mới, đón làn sóng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Với tầm nhìn đó, tỉnh Bình Dương đang từng bước hình thành vùng đổi mới sáng tạo, tạo động lực phát triển mới, hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong điều kiện mới.
Những cuốn sách hay về miền Nam
Đế quốc An Nam và người dân An Nam - bên cạnh thông tin tổng quan về địa lý, sản vật, tập quán ở nước ta hồi thế kỷ XIX, nhiều thông tin quan trọng về sông Mekong, địa lý Đàng Ngoài và Đàng Trong, nhất là Sài Gòn xưa, được ghi chép chi tiết.
Ký họa về Đông Dương - Nam Kỳ là một bộ tranh gồm hàng trăm bức ký họa có giá trị nghệ thuật đặc sắc, phản ánh trực quan, sinh động về đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa ở Sài Gòn và Nam Kỳ đầu thế kỷ XX.