Nếu Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là gương mặt đại diện cho cuộc xung đột vũ trang giữa Ukraine và Nga, thì Phó thủ tướng Ukraine Mykhailo Fedorov là người khiến các công ty công nghệ lớn có hành động mạnh mẽ với Nga.
Ở tuổi 31, ông Fedorov là bộ trưởng trẻ nhất của Ukraine. Trước khi xung đột diễn ra, ông Fedorov, với tư cách là Bộ trưởng Chuyển đổi số của Ukraine, đã đi khắp thế giới và gặp gỡ lãnh đạo của các công ty công nghệ hàng đầu.
Trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, vị bộ trưởng đã sử dụng mạng xã hội và email để kêu gọi các công ty công nghệ lớn nhất thế giới chống lại Nga.
Người thúc đẩy chuyển đổi số
Cách đây 6 tháng, Mykhailo Fedorov đã đến Thung lũng Silicon để thảo luận về quá trình chuyển đổi số của đất nước ông. Trên tài khoản Facebook, ông đã đăng một bức ảnh với CEO Apple Tim Cook ở Palo Alto, California, ca ngợi Cook là “nhà quản lý tài năng nhất thế giới”.
Bức ảnh chụp cùng CEO Apple được ông Mykhailo Fedorov chia sẻ trên trang cá nhân. Ảnh: Mykhailo Fedorov. |
Trước khi quân đội Nga tiến vào Ukraine, nhiệm vụ của Fedorov là giúp nhiều người Ukraine được sử dụng Internet, mang các công việc và công ty công nghệ cao cho đất nước.
Trong nhiệm kỳ của mình, Fedorov đã đi khắp thế giới, thường xuyên gặp gỡ lãnh đạo các công ty công nghệ hàng đầu.
Trong chuyến đi năm 2021 cùng Tổng thống Ukraine Zelensky tới trụ sở Apple, ông đã nói chuyện với Tim Cook về việc đưa Apple Store đến Ukraine, cách Apple có thể trợ giúp điều tra dân số Ukraine, cũng như mở rộng giáo dục và chăm sóc sức khỏe ở nước này.
Ngoài ra, ông cũng chia sẻ các cuộc gặp với Amazon, Giám đốc vận hành Facebook Sheryl Sandberg và Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề chính phủ của Google Karan Bhatia.
Chiến tranh truyền thông
Khi tên lửa của Nga tấn công Ukraine, ông Fedorov kêu gọi một số công ty công nghệ lớn trên thế giới đóng cửa truyền thông của Nga và ngắt kết nối Nga với phần còn lại của thế giới. Theo Thứ trưởng Bộ chuyển đổi số Alex Bornyakov, ông Fedorov đã kêu gọi khoảng 50 công ty viện trợ cho Ukraine.
Khi chiến tranh làm ảnh hưởng tới kết nối Internet tại Ukraine, ông Fedorov kêu gọi sự trợ giúp của tỷ phú công nghệ Elon Musk. Ông đã đề nghị CEO SpaceX gửi hệ thống Internet vệ tinh Starlink, một phương tiện quan trọng để giúp người dân Ukraine kết nối mạng.
Ngay sau đó, Elon Musk đồng ý, và chỉ 2 ngày sau ông Fedorov thông báo rằng hệ thống đã đến.
Mykhailo Fedorov, Bộ trưởng Chuyển đổi số của Ukraine. Ảnh: Getty. |
Kể từ khi Fedorov lên tiếng về cuộc tấn công của Nga vào tuần trước, Facebook và YouTube đã ngay lập tức hạn chế các phương tiện truyền thông của Nga đồng thời Google đã tắt một số tính năng trên Google Maps để bảo vệ sự an toàn của công dân Ukraine. Sau yêu cầu của ông Fedorov, Apple cũng cho biết họ sẽ tạm dừng tất cả hoạt động bán sản phẩm ở Nga.
Sau khi cuộc xung đột bắt đầu, ông Bornyakov cho biết ưu tiên đầu tiên của chính phủ Ukraine là đảm bảo cơ sở hạ tầng quan trọng chống lại các cuộc tấn công mạng và đảm bảo các dịch vụ kỹ thuật số của chính phủ vẫn hoạt động. Nhưng sau đó, họ sớm cân nhắc việc gây áp lực lên các công ty công nghệ lớn nhằm trừng phạt Nga.
Ông Fedorov thông báo trên Twitter về việc vệ tinh Starlink tới tay người Ukraine. Ảnh: Washington Post. |
Hôm 26/2, ông Fedorov đã liên hệ trực tiếp Tim Cook để yêu cầu chặn quyền truy cập vào App Store ở Nga.
Hôm 27/2, ông gửi lời cảm ơn chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Facebook, Nick Clegg, vì đã thực hiện các bước để hạn chế truyền thông nhà nước Nga.
“Không có chỗ cho tội phạm chiến tranh trong metaverse”, Phó thủ tướng Ukraine chia sẻ trên Twitter.
Hôm 1/3, ông tiếp tục yêu cầu YouTube đưa ra quyết định. Ngày hôm sau, YouTube thông báo rằng họ sẽ hạn chế các phương tiện truyền thông nhà nước của Nga ở châu Âu.
Fedorov cũng đưa ra lời kêu gọi trực tiếp đối với cộng đồng tiền mã hóa, kêu gọi các sàn giao dịch lớn chặn người dùng Nga và thúc giục các công ty thẻ tín dụng lớn chặn các dịch vụ ở nước này.
Sáng 1/3, Thứ trưởng Bornyakov cho biết Bộ chuyển đổi số Ukraine đang liên lạc thường xuyên với các công ty như Google, Apple và Meta.
Apple từ chối đưa ra bình luận về cuộc họp vào tháng 9, tuy nhiên cho biết họ đang “liên lạc với các chính phủ liên quan về các hành động mà chúng tôi đang thực hiện”. Google, Netflix và Amazon cũng từ chối đưa ra bình luận.
Nhiều công ty công nghệ như Meta, Google, Apple chặn dịch vụ tại Nga để phản đối cuộc tấn công Ukraine. Ảnh: Reuters. |
Theo ông Emerson Brooking, thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, những áp lực mạnh mẽ và liên tục trên mạng xã hội từ ông Fedorov và chính phủ Ukraine đã giúp họ vượt qua Nga trong cuộc chiến thông tin.
“Cách ông Fedorov và các chính trị gia Ukraine sử dụng Twitter đã cho thấy ngay từ đầu họ đã hiểu rằng đây sẽ là một cuộc chiến tranh truyền thông”, ông Brooking nhận định.
Mục tiêu cuối cùng là giúp giành chiến thắng trong cuộc chiến bằng cách xoay chuyển dư luận thế giới và của chính người dân Nga chống lại Putin và chính phủ của ông.
“Hãy làm cho cộng đồng doanh nghiệp Nga và những công dân Nga nhìn thấy những gì quân đội đang làm. Khi các nền tảng lớn và toàn thế giới bắt đầu hành động, đây sẽ là tín hiệu cho họ thấy rằng hành động của chính phủ Nga là không thể chấp nhận được”, ông Bornyakov cho biết.