Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

The Poem

Phố

Trần Kim Hoa có thơ xuất bản từ đầu những năm 90. Gần đây nhất, tập thơ “Bên trời” của chị được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (2020). Bài thơ “Phố” trích từ tập thơ này.

Chầm chậm xích lô hoa

và em bước xuống từ bức tranh huệ trắng

áo dài thêu bông cỏ may

gót lụa thấp thoáng chiều dĩ vãng

nhẹ nhõm cây tì bà

***

mảnh mai con đò chở gió

lá trúc rơi trên thềm thơ

mùa thu nói gì hư ảo

rèm buông thuỷ mặc mơ màng

***

áo nâu dầu mưa dãi nắng

ngày cuối chợ, bữa mom sông

Trấn Vũ chuông ngân

Thọ Xương sương thức

***

âm âm tường rêu

tiếng rao khuya mềm đêm ngói mỏng

mắt đen tóc tết ơi

phố dài ngô nếp nướng

***

ngoại ô xích lại gần

phố già nua vọng tiếng cười son trẻ

mẹ ngồi đan áo

tờ thư năm cũ úa vàng...

Lời bình của TS Nguyễn Thanh Tâm:

Bài thơ của Trần Kim Hoa mang nét duyên dáng của Hà Thành. Có lẽ, được gợi tứ từ bức tranh Thiếu nữ bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân, bài thơ khởi đầu với âm hưởng khá cổ điển. Gót lụa trên phố gợi lên nét thanh lịch vẫn âm thầm gìn giữ trong lòng Hà Nội.

Phố của Trần Kim Hoa không tĩnh như tranh, nhưng man mác buồn như màu huệ trắng phảng phất trên dung nhan thiếu nữ. Bước chuyển của cảm xúc đưa bài thơ gần hơn với hơi thở phố phường, dẫu vẫn là phố xưa trong hoài niệm. Lá trúc rơi bên thềm thơ, con đò chở gió, tường rêu, mái ngói, tiếng rao khuya trên những phố dài, hương nếp nướng và tiếng cười son trẻ, dáng mẹ ngồi đan và màu thời gian úa vàng trên tờ thư cũ… gợi về một Hà Nội trong nhớ thương lặng lẽ.

Giữa sự ồn ào náo nhiệt của phố thị, người ta thêm yêu Hà Nội bởi những phút giây lặng lẽ, duyên dáng như vậy.

Mùa nồng nàn

Tuyết Nga sinh tại Nghệ An, hiện sống và làm việc ở Hà Nội. Chị có nhiều tìm tòi mới trong cách thức biểu đạt thơ.

Trần Kim Hoa

Bạn có thể quan tâm