Nếu cánh rừng ấy vẫn còn hoang vu, nếu sườn nắng ấy cỏ vẫn thẫn thờ
anh có về như gió.
***
Nếu con đường ấy gió chưa qua đời, nếu ngôi chùa ấy chuông vẫn buông lời
anh có về như nắng.
Ảnh minh họa: Jacob Photography. |
Lục lọi ban mai, lục lọi khát khao kiếm điều đã mất
lục lọi chiêm bao, lục lọi lãng quên tìm điều đã khuất
mùa muộn màng.
***
Tìm trong bóng mây, tìm nơi sóng cây tóc xanh mơ ngủ
tìm trong lòng ai, tìm nơi khói sương những lời đã ngỏ
mùa nồng nàn.
Lời bình của TS Nguyễn Thanh Tâm:
Thơ vốn gần với âm nhạc, bởi nhịp điệu và sự vang ngân của ngôn từ, hình ảnh. Bài thơ Mùa nồng nàn của Tuyết Nga có lẽ là lần hiện diện rõ rệt của mối tương giao ngẫu nhiên, kỳ diệu ấy.
Mùa nồng nàn là một bản nhạc khiêu vũ. Như bước di chuyển của đôi tình nhân, mở đầu dìu dặt, khoan thai, âm điệu dàn trải du dương (câu 1, 2). Có lẽ là những mộng mơ dắt díu vẫy gọi, đợi chờ. Cao trào của bản nhạc đưa bước chân nhanh hơn, gấp gáp, kịch tính hơn (câu 3). Nhạc điệu ở lúc này thể hiện rõ tâm trạng của kẻ kiếm tìm tuyệt vọng. Dường như có một bi kịch đã xảy ra. Câu thứ 4, nhịp điệu lại trở về vẻ khoan thai dìu dặt như là cõi lòng đã lặng yên sau hoang mang rồ dại.
Mùa nồng nàn chỉ còn vang ngân trong giấc mơ. Những bước chân khuất vào khói sương và âm nhạc chìm vào im lặng.