Có bao người vừa đi qua phố
Có một phố vừa đi qua phố
Có chút lòng khẽ chạm… làn rêu.
***
Phố, kẹo lạc kẹo vừng
Con dế thơ ngây gáy vào cơn ngủ
Nắng câu Kiều thơm gió những vòm đêm
Cánh cò lạc bờ đê
Cò dò trên ngói
Bỗng gặp cái cò trong tiếng à ơi…
***
Phố, làng lúa làng hoa
Người trong phố về quê trong phố
Ngã tư lòng
Vương
Ngát sen hương…
***
Phiên chợ đầu hôm
Sông Hồng cong mình trên bờ vai thành phố
Người quang gánh gánh làng về phố
Mùa nước đỏ mắt người cũng đỏ
Mỗi mảnh trăng phôi trên mỗi mảnh đời…
***
Cửa ô
Im lìm
Đoàn quân
Chuyển mình lên biên giới
Những giọt máu hai mươi hợp dòng xa phố
Ngọn đèn - Tim
Cháy thâu sương…
Có người cha tiễn con,
Mắng vợ mình mau nước mắt
Nhưng đêm ấy là đêm
Mờ mưa, sao tắt
Gò má người cha
Mọng
Thắp
Ánh sao…
***
Vỉa hè lang thang
Đứa trẻ không nhà
Trèo sấu trèo me đi bán
Sau cơn mưa
Gãy rắc
Cành me…
Người đàn ông
Nước mắt không rơi suốt thời chinh chiến
Bỗng mặn mòi se giọt giữa vành môi
***
Khúc ơ khúc ơ…
Đêm qua
Tiếng rao cũ lạc người trên gác cũ
Có cụ già cô đơn bỏ phố
Chị hàng rong
Đặt tấm bánh trên bàn thờ, hương đỏ
Những mảnh lòng chưa thành quen trong phố
Khóc ngậm ngùi tiễn tưởng một người thân.
***
Bình minh bay từ khung cửa sổ
Dòng sông trôi từ khung cửa sổ
Đa nuýp
Xanh
Sắc cốm Vòng
Những mảng trầm thiêm thiếp giấc đông
Bỗng mở mắt cài hoa lên tháng
Có người con gái
Dịu dàng đưa tháng qua môi
***
Ta bên nhau trên phố của bao người
Bao ân tình vừa đi qua phố
Có một phố vừa đi qua phố!
Có một người lắng phố, bên em.
Em hồn nhiên cho phố hồn nhiên
Tóc phả mái bên chiều
Phai phai nắng ngói…
Thân thương quá!
Lòng sao chợt hỏi
Phố của mình có nối… phố trong em?
Lời bình của TS Nguyễn Thanh Tâm:
Bài thơ Có một phố vừa đi qua phố có thể nói là tác phẩm nổi bật, được lấy làm tên chung cho cả tập thơ của Đinh Vũ Hoàng Nguyên.
Phố của mỗi người, phố của ngày xưa, phố trong hoài niệm, của anh và em, của những gì còn mất chập chờn trong dòng thời gian.
Nhịp điệu bài thơ tựa như một cơn mưa giăng mắc với hình ảnh đồng hiện: Phố xưa và phố nay, người ở phố và đi qua phố, bầu trời, căn nhà, ô cửa, mùi hương và ánh sáng, nước mắt và vì sao, lịch sử và từng thân phận, sự hiện hữu và phôi phai…
Cái nhìn của Đinh Vũ Hoàng Nguyên rất sâu, để gọi dậy những đời phố nối vào nhau đi giữa thăng trầm. Ngang qua đời phố, có đời anh và em, nối vào nhau không những hồn nhiên thân thương?
Bài thơ dừng lại nhưng thanh âm của niềm yêu mến vẫn còn ngân mãi. Có một người lắng phố… bên em!