Ô Quan Chưởng, một di tích nổi tiếng của Hà Nội. Ảnh: Vntrip. |
[…]
Thời phong kiến, cùng với quy định về nhà cửa, triều đình cũng định rõ màu y phục dành cho các đối tượng khác nhau. Màu vàng chỉ dành riêng cho vua. Màu đỏ đại đồng (đỏ chính sắc) dành cho các quan đầu triều. Màu xanh lam cho các quan có tước vị nhất định… Từ đó sinh ra hai phường nhuộm chuyên về mỗi loại màu ở hai phố tiếp nối nhau. Phố Hàng Đào nhuộm các màu đỏ, đào, da cam; còn phố Hàng Lam thì chuyên về màu xanh lam, xanh da trời…
Nghề nhuộm cần có đất rộng và ao hồ để giũ vải và phơi phóng. Nằm ở gần hồ Gươm, khi đấy còn thông với sông Hồng nên có nhiều bãi nước, hai phố ấy rất tiện cho người theo nghề nhuộm. Nhưng do cùng nằm trên trục đường chính của Kẻ Chợ nên đất nơi đây ngày một đắt giá.
Nhiều hiệu nhuộm thấy lợi đã bán đi cơ ngơi của mình, họ lui về cuối phố Hàng Bông, xa khu vực trung tâm, nơi đất còn rộng, giá rẻ, và điều quan trọng là có con ngòi rất sẵn nước. Họ lập nên một con phố mới là Hàng Bông Thợ Nhuộm, sau được gọi rút ngắn là phố Thợ Nhuộm. Do ở phố Hàng Đào vẫn còn một số hiệu nhuộm nên tên phố còn giữ được.
Riêng phố Hàng Lam các thợ nhuộm đã rời đi hết cả nên không còn tên phố , ban đầu phải mượn tên của phường sở tại là Diên Hưng để gọi. Diện mạo của phố cũng khác đi. Không chỉ có người Kẻ Chợ mà cả các Khách trú (chỉ người gốc Hoa đến sinh sống) cũng đến đây mua đất, trong đó có nhiều thương gia. Họ đến xây cất nhà cửa khang trang, bề thế, bày bán các mặt hàng khác nhau…
Phố Hàng Lam cũ một đầu tiếp giáp với phố Hàng Buồm, đầu kia với phố Hàng Bạc. Phố Hàng Buồm chuyên bán các đồ nghề cho dân đi sông đi biển, như thừng, chão, buồm, cọc chèo… Gần phố có bến Đông Hà, nơi các thương nhân, có cả người ta và người Trung Quốc, Nhật Bản, Cao Ly (Triều Tiên) cho thuyền hàng cập ở đó.
Xong công việc, họ thường ăn uống ở các tiệm cao lâu trong phố, vừa tiện vừa ngon. Ăn xong, họ tìm đến phố Hàng Bạc để đổi tiền. Là những người làm ăn lớn, họ thường mua bán, trao đổi bằng bạc nén, nên trong thời gian ở Kẻ Chợ, họ cần đến các cửa hiệu đó để đổi bạc ra tiền mặt để chi tiêu.
Bộ sách Thăng Long - Kinh Kỳ - Kẻ Chợ của các tác giả Nguyễn Quốc Tín, Nguyễn Huy Thắng. Ảnh: HNM. |
Những người mới tới chưa thông thạo phố xá sẽ phải hỏi đường, và được dân phố Hàng Buồm bảo đi đến đầu phố, rẽ trái theo một “phố ngang”, đến ngã tư lại rẽ trái thì đó chính là Hàng Bạc.
Lại có trường hợp khác là những lái thương, từ Nghệ An chẳng hạn, vượt biển chở mắm muối ra bán ngoài Kẻ Chợ. Các mặt hàng này thường bán lẻ, cứ vài xu vài chinh một, nên người bán có khi thu về cả gánh những đồng tiền các loại. Vì thế họ cũng cần đến Hàng Bạc đổi tiền lẻ lấy bạc nén cho gọn.
Đổi được rồi, nhiều người có nhu cầu đến Hàng Buồm mua sắm ít đồ nghề đi biển cho thuyền mình. Khách chưa biết đường có hỏi sẽ được chủ hiệu chỉ cho đi đến đầu phố, rẽ phải theo một “phố ngang”, đến ngã tư lại rẽ phải là đến nơi. Ở đó khách tha hồ lựa chọn, muốn mua ở hiệu nào thì vào…
Con phố nằm ngang ấy, hay “phố ngang” theo cách gọi của hàng phố, dần dần trở thành một tên phố chính thức: Phố Hàng Ngang như ta biết ngày nay. Một cái tên phố hoàn toàn khác với cách đặt tên phố thông thường của Kẻ Chợ, vốn gắn với mặt hàng chuyên biệt của mỗi phố.
Như Hàng Đồng chuyên bán đồ đồng, Hàng Mắm chuyên bán mắm, Hàng Lọng chuyên bán đồ võng lọng cho các quan ở phía nam lên sắm sanh trước buổi chầu… Mặt khác, nó cũng không theo quy luật ngôn ngữ nào. Nếu muốn lấy vị trí của phố để đặt tên thì phải là phố Ngang (hoặc Rẽ Ngang, như cách người ta đã làm với phố Cấm Chỉ - cấm ngặt không cho ai đến phố để đòi tiền nữa).
Đằng này lại là sự kết hợp của chữ “Hàng” với chữ “Ngang” chẳng hề có gì liên quan đến hàng họ cả! Phải chăng vì ở giữa những phố Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Cân, Hàng Đường… mà cái phố Ngang ấy cũng được mang họ Hàng luôn?