Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Món ăn thanh niên Hà Nội chuộng mang vào rạp một thời

Thanh niên rất thích mua phá xa đem vào rạp chiếu bóng để vừa xem vừa ăn. Nhai từng hạt thật kỹ, thật lâu để hương vị thơm ngon của nó ngấm khắp lưỡi.

Người dân Hà Nội đi xem phim tại rạp Công Nhân năm 1973. Nguồn: anninhthudo.

[…]

Các bạn ở Hà Nội có ai còn nhớ món nộm đu đủ thịt bò khô cùng tiếng đánh kéo lách tách theo nhịp thật mời gọi và hấp dẫn của người bán hàng không? Nhiều nơi có, nhưng tôi nhớ nhất cái xe đẩy bán món quà đó ở đường Hoàng Hoa Thám ven Bách Thảo vì ngày bé tôi ở gần đó. Bố cho chị em tôi vào chơi vườn Bách Thảo và mua cho ăn.

Miệng chị em tôi đã tứa nước bọt ngay từ khi nhìn ông bán hàng rải lên cái đĩa nhỏ những sợi đu đủ nộm bé tí, cắt vào đó ít thịt bò khô thật mảnh, một chút rau thơm và rưới nước trộn lên. Một cái đĩa nộm be bé mà người lớn có lẽ chỉ khua vài gắp là hết, chị em tôi phải ăn thật dè, từng tí một. Vừa ăn vừa suýt xoa và lo hết. Bố tôi không ăn mà chỉ nhìn chị em tôi ăn, ánh mắt nhìn vừa thương vừa ấm áp.

Hà Nội còn nhiều thứ quà, nhưng tuổi thơ chúng tôi ít ai có thể được thưởng thức đủ tất cả. Có những thứ phải sau này lớn lên mới có điều kiện. Ví như phở chẳng hạn. Đó là một món quà, một món ăn sang. Mặc dù ngay từ khi học vỡ lòng, tôi đã biết trên đời có món ăn gọi là phở và cũng có cái phố có tên là “phố Phở có nhà to” trong quyển sách học vần vỡ lòng, nhưng món phở nó như thế nào thì phải sau mười tuổi tôi mới biết.

Mà trước khi được ăn phở thì tôi từng ăn một thứ na ná như thế gọi là “mì không người lái” mà mậu dịch bán tự do không thu tem lương thực với giá một hào rưỡi một bát. Gọi tên như thế vì trong bát mì không có thịt, nhưng chỉ cần nước dùng thôi đã làm cho bát mì trở nên ngon và hấp dẫn.

Cửa hàng mậu dịch cạnh gốc đa đầu chợ Bưởi luôn có bán món này buổi sáng. Nếu đi muộn là hết. Thỉnh thoảng mẹ lại cho tôi tiền để ăn mì thay cho bát cơm rang thường ngày mỗi khi phải đi học sớm. Ăn hết bát mì, tôi lại ước mong sáng mai mẹ lại cho mình tiền để mua ăn. Nhưng không thể có tiền mà ăn liền như vậy được.

Cũng chính vì thế, đến khi được ăn một bát phở bò có đủ thịt thật thì trong đầu tôi đã hiện lên ý nghĩ, phở là món ngon nhất trên đời. Ở Bờ Hồ mạn đường Đinh Tiên Hoàng, chỗ tháp Hòa Phong buổi tối thường có ông người Hoa đeo cái hòm kính bán phá xa. Đó thực chất là món lạc rang húng lìu, nhưng họ rang thế nào đó mà thơm ngon không thể tả. Cái món này có lẽ cũng là bí truyền của người Hoa, vì sau này suốt cuối dãy phố Bà Triệu, người ta bán lạc rang cũng nhiều, đóng gói cả cân, nhưng ăn mãi mà không tìm thấy lại được cái hương vị của món gọi là phá xa khi xưa.

Ngày ấy, một hào mua được một cái gói giấy cuộn hình phễu có chỉ độ hai chục hạt lạc nóng giòn. Cầm trên tay thấy ấm ấm, nhất là trong tối mùa đông. Đưa lướt qua mũi thấy thơm phức. Thanh niên rất thích mua phá xa đem vào rạp chiếu bóng để vừa xem vừa ăn. Nhai từng hạt thật kỹ, thật lâu để hương vị thơm ngon của nó ngấm khắp lưỡi. Chẳng ai dám ăn hai hạt lạc một lần vì như thế thật hoang phí và chóng hết. Ăn đến hạt cuối cùng rồi vẫn cứ cầm mãi giấy gói trong tay vì mải theo dõi tình tiết trên màn ảnh.

Những ngày xưa ấy, hầu như rủ nhau vào rạp xem phim, người ta đều cố mua một thứ quà vặt gì đó để ăn cho đỡ buồn mồm. Con gái thường thích món táo dầm, cũng hay bán ở quanh hồ Gươm, trên những cái xe đẩy. Còn bưởi chanh, bưởi đào ngọt chua đủ loại thì trước cửa rạp chiếu bóng nào cũng có bán.

Hà Nội có khá nhiều rạp chiếu bóng nằm rải rác ở các khu phố, nhưng các rạp chiếu bóng gần hồ Gươm như rạp Công Nhân phố Tràng Tiền, rạp Kim Đồng và rạp Tháng Tám ở phố Hàng Bài là thường có phim hay hơn cả, nên buổi chiếu nào cũng kín chỗ. Suất chiếu được người ta chọn xem nhiều nhất là từ 7 đến 9 giờ tối, nói theo cách bây giờ thì đó là giờ vàng.

Vé xem thường là phải mua trước một vài ngày. Giáp giờ chiếu mới ra mua thường hay phải mua lại vé “phe” của những người chuyên đi xếp hàng mua sẵn từ trước rồi bán lại với giá cao hơn. Những người chuyên sống về nghề bỏ công sức xếp hàng để mua đi bán lại một thứ gì đó như tem phiếu hay vé xem phim ở Hà Nội rất đông, hợp thành một đội ngũ “con phe” hẳn hoi. Tuy là bất hợp pháp nhưng họ vẫn cứ tồn tại vào bất cứ thời gian nào có khả năng và họ “ngửi hơi” rất tài.

Rất nhiều gia đình coi việc đi xem phim vào ngày Tết như một sự tự thưởng cho công sức lao động cả năm của gia đình. Khó kiếm nhất là vé xem phim vào mồng Hai tết vì ngày đó đã rảnh rang sau bữa cơm tập trung cả đại gia đình vào mồng Một. Sang mồng Ba đã lại phải đi làm rồi.

Phim chiếu thời đó là phim đen trắng, chủ yếu của các nước xã hội chủ nghĩa. Dạo những năm tám mấy, người Hà Nội như cuồng lên khi đón nhận bộ phim “Tình yêu và nước mắt” của Ấn Độ - một tác phẩm mới lạ vì là phim màu, diễn viên đẹp, vừa có ca khúc hay lại thêm nhiều cảnh võ thuật. Một đôi vé xem tại rạp Tháng Tám vào ngày mồng Hai tết biếu sếp có giá trị ngang ngửa với một món biếu xén hay lại quả trong làm ăn bây giờ.

Nhưng những người bình dân hay trẻ con chúng tôi thích xem phim ở bãi chiếu bóng ngoài trời hơn. Các bãi Khương Thượng, Long Biên, Cầu Giấy, Lương Yên mỗi tuần có tới ba, bốn buổi chiếu nếu trời không mưa. Không có những phim thật đặc sắc nhưng giá vé thật bình dân. Xem phim bãi giá vé có 5 xu, trong khi xem ở rạp Tháng Tám vé thấp nhất là 2 hào, hoặc ở rạp Kim Đồng thường chiếu phim phục vụ thiếu niên thì giá vé cũng là một hào.

Xem phim bãi không có ghế mà bà con phải kê dép hay báo để ngồi bệt trên đất. Vé xem phim sẽ bán trước giờ chiếu chứ không bán từ trước. Chỗ ngồi tự do, nên đến muộn vẫn mua vé vào xem được. Có điều đến muộn quá thì phải chịu thiệt vì phim chiếu một đoạn rồi, có khi lại là đoạn phim hay.

Các hàng quà quanh bãi chiếu bóng thì vô cùng phong phú. Những thứ như mía hay bánh đa, nước chè lúc nào cũng có sẵn. Sau buổi chiếu bóng nào, người ta cũng phải quét rác trên sân cho sạch để phục vụ hôm sau. Ở bãi chiếu bóng, tán chuyện cũng thoải mái hơn.

Vũ Công Chiến / NXB Trẻ

SÁCH HAY