Alkhadi bị tước HCV một cách oan ức. |
Đây là tranh cãi mới nhất liên quan đến các môn thi tại SEA Games 27. Nó cũng đặt ra một câu hỏi lớn về việc chủ nhà Myanmar tìm mọi cách vơ vét huy chương. Từ đó dẫn đến việc họ cùng những nước đồng minh của mình “chia chác” những tấm huy chương mà trường hợp của kình ngư Jasmine Alkhaldi là ví dụ điển hình.
VĐV xinh đẹp 20 tuổi này đã đoạt HCV vào hôm 12/12 vừa qua nhưng sau đó cô phải trả lại huy chương vì đoàn Thái Lan cho rằng cô đã phạm luật xuất phát. Với tác động từ Thái Lan cũng như Singapore, ban tổ chức SEA Games đã tổ chức thi lại nội dung này vào ngày hôm sau. Kết quả, Jasmine Alkhaldi chỉ về đích thứ 3 sau VĐV của Thái Lan và Singapore.
Các quan chức thể thao của Philippines đã ra sức phản đối quyết định này nhưng vô tác dụng. Jeff Tamayo, trưởng đoàn thể thao Philippines tại SEA Games cho biết: “Việc thi đấu lại khiến VĐV của chúng tôi bị tâm lý. Quyết định này chẳng theo các quy tắc của Liên đoàn bơi thế giới (FINA)”.
Trong khi đó, Carlos Brosas- HLV tuyển bơi Philippines đã tố cáo Singapore tìm mọi cách thao túng môn bơi tại SEA Games 27 và cùng với Myanmar tìm mọi cách chia huy chương. Trước Jasmine Alkhaldi, Ánh Viên của Việt Nam cũng mất HCV oan ức ở nội dung 100m bơi ngửa vì Tao Li (Singapore) dù VĐV đã phạm luật.
Trước tình trạng “bất công” tại SEA Games năm nay, các quan chức Philippines đang xem xét việc tẩy chay SEA Games 27. Trước mắt, trong thời gian còn lại tại SEA Games, nếu có thêm trường hợp bị xử ép hoặc có dấu hiệu tiêu cực, các VĐV Philippines sẽ không tham dự.
Trước SEA Games năm nay diễn ra, Philippines đã lường trước việc sẽ có những tiêu cực xảy ra tại SEA Games nên chỉ cử đến 210 VĐV tham dự, số lượng ít nhất trong vài kỳ đại hội gần đây để tham dự ở một số môn phổ biến. Vì tham dự ít nên đến nay Philippines mới đoạt có 13 HCV.