Sách Quý cô nóng nảy. |
Ngày nay, có rất nhiều phương pháp giáo dục, được đúc kết trong những cuốn sách. Escalante: Người thầy xuất sắc nhất nước Mỹ và Quý cô nóng nảy, hai cuốn sách mới phát hành tiếng Việt, không nói về phương pháp, kỹ năng dạy học. Song câu chuyện trong mỗi ấn phẩm đều đưa ra những thông điệp đáng suy ngẫm về giáo dục.
Hai người thầy đặc biệt
Cuốn sách Escalante: Người thầy xuất sắc nhất nước Mỹ là câu chuyện về Jaime Escalante (1930 - 2010). Ông là người gốc Bolivia, nhập cư Mỹ. Sau 10 năm cố gắng làm nhiều nghề khác nhau trên đất Mỹ, thầy Jaime Escalante về giảng dạy tại một ngôi trường ở Los Angeles.
Khi ấy, ngôi trường đứng trước nguy cơ bị thu hồi giấy phép bởi học sinh ở đây rất quậy phá, chuyên lập băng đảng, băng nhóm và chống đối việc học. Điều đó khiến nhiều thầy cô cũ cảm thấy bất lực và phải chuyển trường.
Bằng phương pháp của mình, thầy Escalante đã kéo những học sinh cá biệt trở lại ghế nhà trường, đưa hơn 400 học sinh vào các trường đại học danh giá như Harvard, MIT, Stanford...
Sách Escalante: Người thầy xuất sắc nhất nước Mỹ. |
Kết quả ngoạn mục ấy khiến Jay Mathews - cựu phóng viên tờ The Washington Post - gọi Escalante là "người thầy xuất sắc nhất nước Mỹ". Mathews viết cuốn sách về Escalante với lý do trong hơn 2,2 triệu giáo viên trên đất Mỹ, có không ít giáo viên xuất sắc, nhưng không nhiều người xứng với danh hiệu “người thầy xuất sắc”. Escalante chính là hình mẫu của một người thầy tốt.
Cũng ở Mỹ, một câu chuyện khác về tình thầy trò đã truyền cảm hứng tới bao thế hệ. Helen Keller (1880 - 1968) được hậu thế biết tới như người khiếm thị, khiếm thính đầu tiên giành học vị cử nhân nghệ thuật, một văn sĩ, nhà hoạt động xã hội. Làm nên thành công của Keller là sự đồng hành của cô giáo Anne Sullivan. Chuyện của Helen Keller và Anne Sullivan đã được tác giả Sarah Miller kể trong cuốn Quý cô nóng nảy.
Sách kể về cô giáo Anne Sullivan trong hành trình khai mở tâm trí cho Helen Keller - cô học trò bị khiếm thính, khiếm thị sau trận sốt viêm màng não từ khi 19 tháng tuổi. Dạy một đứa trẻ học đã là gian nan, dạy một đứa trẻ khiếm thính, khiếm thị từ khi chưa có nhiều ý niệm, nhận biết về cuộc đời lại càng khó khăn hơn bao giờ hết.
Bằng kiến thức sư phạm tích góp được, bằng sự đồng cảm, kiên nhẫn và sáng tạo, Anne Sullivan đã cảm hóa tính cách ương bướng và khai mở tâm trí cho cô học trò Helen Keller, giúp cô hiểu được ngôn ngữ và cảm nhận thế giới. Trong suốt 50 năm sau đó, cô giáo Anne gắn bó với Helen, luôn đồng hành cùng học trò của mình để cô trở thành một trong 100 nhân vật tiêu biểu của thế kỷ 20 (theo bình chọn của Time).
Cô Anne Sullivan và thầy Jaime Escalante, dù sống ở hai giai đoạn khác nhau, gặp những nghịch cảnh khác nhau, phương pháp dạy học khác nhau, họ đều giúp học sinh của mình đạt được kỳ tích. Phép màu của họ chính là lòng yêu thương học trò.
Lòng tốt và sự hy sinh đều không có biên giới
Hai cuốn sách khi phát hành tại Việt Nam đã nhận được đánh giá tích cực từ những người thầy đang làm việc trong ngành giáo dục. GS.TS, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng cho biết ông ấn tượng và ngưỡng mộ thầy Escalante khi đọc cuốn Escalante: Người thầy xuất sắc nhất nước Mỹ. Là một người đứng trên bục giảng nhiều năm, nhà giáo Nguyễn Lân Dũng cũng gặp khó khăn nhưng không từng đối mặt với những vấn đề như thầy Escalante gặp phải.
“Đây là câu chuyện cảm động, là bài học và động lực cho các thầy cô chúng ta, nhất là những người thầy ở miền núi, vùng sâu, vùng xa đang gặp vô vàn khó khăn”, giáo sư, nhà giáo Nguyễn Lân Dũng nói.
GS.TS, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng (phải) trong buổi ra mắt sách hôm 8/11 tại Hà Nội. Ảnh: T.V. |
TS Nguyễn Quang Đông - giảng viên, Chủ tịch Hội sinh viên Đại học Thái Nguyên - cho rằng hai cuốn sách về môi trường học đường Mỹ nhưng nói nhiều điều với bạn đọc Việt.
Câu chuyện về thầy Escalante ngoài truyền kiến thức, còn truyền cảm hứng tới các em. Người thầy trong cuốn sách đã truyền đạt tri thức tới các em một cách dễ hiểu. "Học sinh ở đâu khi tiếp nhận tri thức cũng đều cần nhiệt huyết, phương pháp và cả sự hy sinh của người thầy. Người thầy tâm huyết sẽ tìm ra cách để giúp các em có động lực tiếp nhận tri thức", TS Nguyễn Quang Đông nói.
Theo TS Nguyễn Quang Đông, cuốn Quý cô nóng nảy có đối tượng học sinh đặc biệt. Nhưng khi người thầy, người cô bắt được sóng đặc biệt ấy sẽ giúp học trò có động lực vươn lên.
TS Vũ Dương Thúy Ngà, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho rằng cả hai người thầy trong hai cuốn sách đều chung sự tôn thờ: Tôn thờ sự yêu thương. Họ đã không quản ngại bất cứ khó khăn gì, bằng sự yêu thương, nhiệt huyết mà làm nên sự thay đổi và thành công cho học trò của mình.
"Việc phát hành hai cuốn sách là khởi điểm để ta đưa câu chuyện truyền cảm hứng về những người thầy tốt lan tỏa tới bạn đọc Việt", TS Vũ Dương Thúy Ngà nói.
Lan tỏa câu chuyện về người thầy tốt cũng là lý do công ty sách quyết định phát hành hai ấn phẩm tại Việt Nam. Bà Nguyễn Kim Thoa, CEO Tân Việt Books, cho biết trong quá trình liên kết xuất bản sách, đơn vị bà luôn muốn thực hiện những ấn phẩm có hàm lượng giáo dục cao. Được biết tới câu chuyện về thầy Escalante và cô Anne Sullivan, đơn vị của bà Thoa mua bản quyền và thực hiện hai cuốn sách.
"Đây là câu chuyện có thật, người thật, việc thật. Chúng tôi muốn mang câu chuyện truyền cảm hứng đó, phương pháp giáo dục đặc biệt đó tới bạn đọc Việt. Bởi lòng tốt và sự hy sinh đều vượt biên giới", bà Thoa nói.