Trái Đất liên tục bị thiên thạch va chạm. Vài tấn thiên thạch rơi xuống hành tinh mỗi ngày dưới dạng bụi. Và các vụ va chạm lớn hơn đã tạo ra nhiều "vết sẹo" dễ nhận thấy hơn, bao gồm các miệng hố khổng lồ. Song "vết sẹo" nào, hình thành do tác động ngoại lực, là lâu đời nhất trên hành tinh chúng ta?
Các nhà nghiên cứu hôm 21/1 cho biết trên tạp chí Nature Communications rằng họ đã tìm thấy "vết sẹo" đó ở Tây Australia. Nó hình thành từ một vụ va chạm hơn 2,2 tỷ năm trước.
Thời điểm này gần như trùng khớp với sự kết thúc của một trong những kỷ băng hà trên hành tinh chúng ta. Một vụ va chạm vào băng sẽ giải phóng lượng hơi nước khổng lồ có thể đủ để thay đổi khí hậu Trái Đất và đưa hành tinh thoát khỏi tình trạng đóng băng lan rộng.
Miệng hố Yarrabubba ở Tây Australia. Ảnh: NYT được cung cấp. |
Cấu trúc hình thành từ vụ va chạm Yarrabubba, nằm ở địa điểm cách thành phố Perth khoảng một ngày lái xe về phía đông bắc, không còn nhiều để xem vào ngày nay. Miệng hố ban đầu, được cho là có đường kính khoảng 40 dặm, đã biến mất từ lâu.
"Không có địa hình nào trồi lên", Aaron Cavosie, nhà khoa học hành tinh tại Đại học Curtin ở Perth và là thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.
Đó là bởi vì ảnh hưởng kết hợp của gió, mưa, băng hà và kiến tạo địa tầng đã khiến bề mặt Trái Đất được nâng lên, che lấp miệng hố. Mức độ xói mòn cho thấy cấu trúc này đã hình thành từ rất, rất lâu.
Dựa trên các phép đo 39 tinh thể zircon và monazite, tiến sĩ Timmons Erickson, nhà địa thời học tại Trung tâm Không gian Johnson thuộc NASA và là tác giả chính của nghiên cứu, đã tính toán rằng vụ va chạm Yarrabubba xảy ra cách đây 2,229 tỷ năm, với độ lệch là 5 triệu năm.
Cấu trúc hình thành do va chạm có tuổi đời lâu đời thứ hai, Vredefort Dome ở Nam Phi, trẻ hơn 200 triệu năm tuổi.