Hành tinh này đang quay quanh một ngôi sao cách Trái Đất khoảng 100 năm ánh sáng. Phát hiện này được công bố trong cuộc họp lần thứ 235 của Hiệp hội Thiên văn học Mỹ hôm 6/1 tại Honolulu, theo CNN.
Hành tinh này thuộc hệ thống đa hành tinh xung quanh TOI 700, một ngôi sao lùn nhỏ trong chòm sao Dorado. TOI 700 có khối lượng và kích thước chỉ bằng khoảng 40% Mặt Trời và nhiệt độ bề mặt bằng 1/2 Mặt Trời.
Hành tinh mới phát hiện được gọi là TOI 700 d, một trong ba hành tinh quay quanh TOI 700. Khoảng cách từ hành tinh đến ngôi sao phù hợp để tồn tại nước ở dạng lỏng trên bề mặt.
Minh họa hành tinh TOI 700 d có kích thước bằng Trái Đất. Ảnh: NASA. |
Đây là phát hiện rất thú vị đối với các nhà thiên văn học vì TOI 700 d là một trong số ít các hành tinh có thể có sự sống bên ngoài hệ Mặt Trời và có kích thước tương đương Trái Đất.
TOI 700 d là hành tinh cách xa ngôi sao TOI 700 nhất. Quỹ đạo của hành tinh này kéo dài 37 ngày ở Trái Đất. Nó nhận được từ TOI 700 khoảng 86% năng lượng mà Mặt Trời cung cấp cho Trái Đất. Điểm khác biệt là một phía của hành tinh này luôn có ánh sáng ban ngày.
Trong tương lai, các sứ mệnh khác của NASA, như Kính viễn vọng Không gian James Webb ra mắt vào năm 2021, sẽ xác định xem các hành tinh có khí quyển và điều kiện phù hợp cho sự sống hay không.