Hãng tin Reuters gọi đây là cú đáp 'hồng tâm' của tàu vũ trụ Starliner của Boeing. Theo AFP, hình ảnh do NASA phát sóng cho thấy tàu vũ trụ đáp xuống, được đệm bởi túi khí, sau khi giảm tốc từ từ nhờ ba chiếc dù lớn.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ca ngợi sứ mệnh bị cắt ngắn là một thành công mặc dù con tàu không đến được Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) trong thử nghiệm cuối cùng trước chuyến bay có phi hành đoàn.
Hình ảnh cho thấy tàu vũ trụ hạ cánh trên sa mạc với sự trợ giúp của ba chiếc dù lớn. Ảnh: NASA. |
Khoang tàu Starliner được phóng vào ngày 20/12 từ Mũi Canaveral ở Florida nhưng ngay sau khi tách khỏi tên lửa phóng Atlas V, các máy đẩy của nó đã không kích hoạt theo kế hoạch, ngăn nó đạt được quỹ đạo đủ cao.
Quỹ đạo trạm vũ trụ ở độ cao khoảng 400 km trên mực nước biển.
Do phi thuyền đã đốt quá nhiều nhiên liệu đẩy, Boeing và NASA đã buộc phải đưa Starliner trở lại Trái Đất.
"Có thể chấp nhận bước tiếp theo - bay thử phi hành đoàn nhưng chúng tôi phải thông qua dữ liệu trước", Steve Stich, phó giám đốc Chương trình Phi hành đoàn Thương mại của NASA, cho biết.
Chuyến bay thử nghiệm là một phần quan trọng trong kế hoạch của NASA nhằm chấm dứt sự phụ thuộc của Mỹ vào Nga trong các chuyến bay vũ trụ.
Các rắc rối cũng giáng một đòn mới vào uy tín của Boeing, hãng đang đối mặt cuộc khủng hoảng an toàn trong bộ phận hàng không thương mại vì hai vụ tai nạn máy bay chết người.
Starliner đã có thể thiết lập liên kết liên lạc với ISS, để kiểm tra cơ chế lắp ghép, các tấm pin Mặt Trời, pin, bộ đẩy và hệ thống điều chỉnh nhiệt.
Trước khi đáp xuống, Starliner đạt được quỹ đạo ở độ cao 250 km và đi với vận tốc hơn 28.000 km một giờ.
Chuyến bay phi hành đoàn đầu tiên của Starliner đã được lên kế hoạch vào đầu năm 2020.
NASA đã cam kết trả 8 tỷ USD cho Boeing và SpaceX để thực hiện sáu chuyến đi chở bốn phi hành gia mỗi chuyến từ nay đến năm 2024.