Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phát hiện mới về khả năng có sự sống ở sao Hỏa khoảng 4 tỷ năm trước

Các nhà khoa học Pháp hôm 10/10 cho biết sao Hỏa cổ đại dường như từng có một môi trường với khả năng chứa rất nhiều sinh vật siêu nhỏ dưới lòng đất.

Bức ảnh về sao Hỏa trong ngày 10/2/2021. Ảnh: United Arab Emirates' "Amal".

Nhưng nếu chúng từng tồn tại, những dạng sống đơn giản này sẽ làm thay đổi bầu khí quyển sâu sắc đến mức chúng gây ra Kỷ Băng hà trên sao Hỏa và tự đào thải, các nhà nghiên cứu kết luận, AP đưa tin.

Ông Boris Sauterey, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết sự sống - ngay cả sự sống đơn giản như vi sinh vật - "thực sự có thể gây ra sự sụp đổ của chính nó".

Kết quả “hơi u ám một chút, nhưng tôi nghĩ chúng cũng rất thú vị”, ông cho biết. "Điều đó thách thức chúng tôi suy nghĩ lại cách một sinh quyển và hành tinh của nó tương tác”.

Trong một nghiên cứu trên tạp chí Nature Astronomy, Sauterey và nhóm của ông cho biết họ đã sử dụng các mô hình khí hậu và địa hình để đánh giá khả năng có thể sinh sống của lớp vỏ sao Hỏa cách đây khoảng 4 tỷ năm. Trong thời gian đó, hành tinh đỏ được cho là có rất nhiều nước.

Nghiên cứu mô hình khí hậu mới cho thấy các vi sinh vật cổ đại đã gây ra sự thay đổi khí hậu trên sao Hỏa, khiến hành tinh này trở nên khó sinh sống hơn. Điều đó cuối cùng đã gây ra sự tuyệt chủng của những vi sinh vật này, Space đưa tin.

Theo nghiên cứu, các vi sinh vật đơn giản hấp thụ hydro và bài tiết khí methane có thể đã phát triển mạnh trên sao Hỏa cách đây khoảng 3,7 tỷ năm, cùng thời điểm với sự sống nguyên thủy trong các đại dương của Trái Đất.

Tuy nhiên, trong khi trên Trái Đất, sự xuất hiện của dạng sống đơn giản dần dần tạo ra một môi trường có lợi cho các dạng sống phức tạp hơn, điều ngược lại đã xảy ra trên sao Hỏa.

Khí hậu ấm và ẩm ướt của sao Hỏa ban đầu có lẽ đã bị hủy hoại khi có quá nhiều hydro bị hút ra khỏi một bầu khí quyển mỏng và giàu CO2, ông Sauterey nói.

Khi nhiệt độ giảm xuống gần - 200 độ C, bất kỳ sinh vật nào ở bề mặt hoặc gần bề mặt có khả năng sẽ bị chôn vùi sâu hơn trong nỗ lực tồn tại. Ngược lại, các vi sinh vật trên Trái Đất có thể đã giúp duy trì điều kiện ôn hòa, do bầu khí quyển chiếm ưu thế bởi nitơ, các nhà nghiên cứu cho biết.

NASA phát hiện sóng địa chấn do thiên thạch đâm vào Sao Hỏa

Việc tàu thăm dò InSight của NASA trên Sao Hỏa ghi nhận những đợt sóng địa chấn khi thiên thạch va chạm sẽ góp phần giúp giới nghiên cứu xác định niên đại bề mặt hành tinh này.

NASA tìm thấy 'kho báu' vật chất hữu cơ trên Sao Hỏa

Robot thám hiểm Perseverance đã phát hiện ra nồng độ cao chưa từng thấy của phân tử hữu cơ trong một số mẫu đá, tín hiệu về khả năng tồn tại của các vi sinh cổ đại trên Sao Hỏa.

Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm