Lưu thông máu trong cơ thể diễn viên 41 tuổi này đã bị ảnh hưởng bởi một khối tụ máu.
Đó là biến chứng nguy hiểm tiếp theo của Covid-19, đang nổi lên ở khắp các bệnh nhân từ Trung Quốc, châu Âu đến Mỹ. Hiện tượng “huyết khối” như vậy xảy ra vì nhiều lý do đối với các bệnh nhân điều trị đặc biệt, nhưng tỷ lệ trong số các bệnh nhân Covid-19 cao hơn nhiều so với dự tính.
Các y tá đang ôm nhau tại bệnh viện Cremona ở Lombardy, Italy ngày 15/3. Ảnh: AFP. |
Tỷ lệ khá cao bệnh nhân bị tụ máu
“Tôi có những bệnh nhân 40 tuổi trong phòng chăm sóc đặc biệt có máu tụ ở ngón tay, khiến họ sắp bị mất ngón tay, nhưng không có lý do nào khác ngoài virus”, Shari Brosnahan, bác sĩ khoa ICU tại bệnh viện NYU Langone nói với AFP.
Một trong số những bệnh nhân của bà đang bị giảm lưu thông máu đến cả tay và chân, và bà cho rằng việc cưa tay hoặc chân có thể là cần thiết, nếu không mạch máu có thể sẽ bị tàn phá đến mức tay hoặc chân hoại tử.
Tụ máu không chỉ nguy hiểm cho chân tay, mà còn có thể đi vào phổi, tim và não, gây ra những biến chứng chết người như tắc mạch phổi, đau tim và đột quỵ.
Nhân viên y tế vận chuyển bệnh nhân virus corona ở miền tây Rumani ngày 6/3. Ảnh: Reuters. |
Một nghiên cứu gần đây từ Hà Lan trên tạp chí Thrombosis Research cho thấy rằng 31% trong số 184 bệnh nhân có biến chứng liên quan tới huyết khối, con số mà các nhà khoa học nói là “khá cao”, dù việc phải cưa chân tay là khá hiếm.
Behnood Bikdeli, bác sĩ tại bệnh viện New York-Presbyterian, đã lập một nhóm chuyên gia quốc tế để nghiên cứu vấn đề này. Kết quả nghiên cứu của họ được đăng trên tạp chí của Hội Tim mạch học Mỹ.
Theo đó, nguy cơ đối với bệnh nhân Covid-19 lớn đến mức các bệnh nhân “có thể cần thuốc chống đông máu để phòng ngừa”, từ trước khi tiến hành chiếu chụp, Bikdeli nói.
Nhân viên y tế đang làm việc tại trung tâm tiếp nhận bệnh nhân ở Ottawa, Canada ngày 13/3. Ảnh: Reuters. |
Một số lý giải
Nguyên nhân của biến chứng trên chưa được hiểu rõ, nhưng có một số lý giải.
Người bị Covid-19 nặng thường có các bệnh nền về tim và phổi - bản thân các bệnh đó cũng có tỷ lệ tụ máu cao hơn.
Việc nằm trong ICU cũng khiến người bệnh dễ bị tụ máu vì họ ngồi yên quá lâu. Đó là vì sao hành khách bay đường dài được khuyến khích đứng dạy và giãn cơ.
Ngoài ra, Covid-19 cũng được cho thấy có liên quan tới phản ứng miễn dịch bất thường có tên “bão cytokine”, và một số nghiên cứu cho thấy điều này có liên hệ với tỷ lệ tụ máu cao hơn.
Cũng có thể chính virus gây ra tụ máu. Các bệnh trước đây do virus gây ra cũng từng ghi nhận hiện tượng tụ máu.
Một phụ nữ được đo thân nhiệt ở Kenya ngày 18/3. Ảnh: AFP. |
Một nghiên cứu trên tạp chí y khoa Lancet vào tuần trước cho thấy virus có thể lây cho lớp tế bào bên trong các cơ quan và mạch máu được gọi là tế bào nội mô. Trên lý thuyết, điều này có thể can thiệp vào quá trình đông máu.
Cụ thể, theo nghiên cứu trên tạp chí Lancet, virus corona không chỉ gây viêm phổi mà còn có thể tấn công các mạch máu trên khắp cơ thể, dẫn đến suy nhiều nội tạng.
“Virus không chỉ tấn công phổi, mà còn tấn công mạch máu ở mọi nơi” Frank Ruschitzka, tác giả nghiên cứu trên từ Bệnh viện Đại học Zurich, cho biết, theo South China Morning Post.
“Nó xâm nhập vào lớp tế bào nội mô, là tuyến phòng thủ của mạch máu, làm cho tuyến phòng thủ yếu đi và gây rối loại tuần hoàn” ở từng mạch máu nhỏ nhất, tác giả cho biết.
Theo Brosnahan, bác sĩ khoa ICU tại bệnh viện NYU Langone, một số thuốc chống đông máu như Heparin có hiệu quả trên một số bệnh nhân, nhưng không có tác dụng với tất cả bệnh nhân, vì các khối tụ máu có thể quá nhỏ, theo AFP.
“Có quá nhiều khối tụ máu quá nhỏ”, bà nói với AFP. “Chúng tôi không rõ chúng ở đâu”.
Khám nghiệm tử thi một số bệnh nhân cho thấy phổi có hàng trăm khối tụ máu nhỏ.
Virus corona có thể tấn công niêm mạc mạch máu trên khắp cơ thể. Ảnh: British Heart Foundation. |
Giải đáp bí ẩn trước đó
Việc phát hiện ra bí ẩn mới này - khối tụ máu - giúp giải đáp một bí ẩn trước đó.
Cecilia Mirant-Borde, một bác sĩ ICU ở bệnh viện cho cựu binh ở Manhattan, nói với AFP rằng phổi có đầy những khối tụ máu nhỏ, có thể giải thích vì sao máy thở ít có tác dụng với bệnh nhân có nồng độ ôxy trong máu thấp.
Trước đó, các bác sĩ cũng ghi nhận tình trạng “phổi ướt”, gây suy hô hấp cấp ở một số bệnh nhân. Nhưng một số trường hợp, không phải phổi bị tràn dịch, mà do các khối tụ máu nhỏ đang chặn lưu thông máu và máu không mang nhiều ôxy như bình thường.
Các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục biết thêm về tác động của virus mỗi ngày.
“Chúng ta đã khá ngạc nhiên, nhưng có lẽ chúng ta không nên ngạc nhiên như vậy nữa. Dù sao thì virus thường có những tác động kỳ lạ”, Brosnahan nói.
Các biến chứng có vẻ rất phức tạp, nhưng “có thể có một hoặc vài cơ chế chung có thể mô tả quá trình các biến chứng đó xảy ra”, bà nói. “Có thể đều là một, và sẽ có cùng một giải pháp”.