Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mất phương hướng, co giật, đột quỵ - Covid-19 có thể tấn công não

Những triệu chứng mới xuất hiện nhiều ở bệnh nhân Covid-19 ở New York: ngoài sốt, ho và khó thở, một số bị mất phương hướng đến mức không biết đang ở đâu, bây giờ là năm nào.

Đối với một số trường hợp, sự mất phương hướng này là do ôxy trong máu giảm, nhưng một số bệnh nhân bị mất phương hướng nặng hơn mức độ mà thiếu máu có thể gây ra.

Jennifer Frontera, bác sĩ thần kinh tại bệnh viện NYU Langone cơ sở Brooklyn, đã khám cho một số bệnh nhân như vậy, và cho biết đang có lo ngại về tác động của virus corona lên não và hệ thần kinh.

virus anh huong den nao anh 1

Ảnh chụp não người bằng máy chụp cắt lớp positron (PET). Ảnh: AFP.

Cho đến nay, hầu hết mọi người đã biết về các triệu chứng hô hấp của căn bệnh Covid-19 đã lây cho hơn 2,2 triệu người trên thế giới. Nhưng các biểu hiện lạ khác đang xuất hiện ở nhiều bệnh nhân, được các bác sĩ tuyến đầu ghi nhận.

Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) tuần trước cho thấy 36,4% trong số 214 bệnh nhân Trung Quốc được khảo sát có dấu hiệu về thần kinh, từ mất khứu giác đến đau dây thần kinh, co giật và tai biến mạch máu não.

Nghiên cứu khác trên Tạp chí Y khoa New England tuần này trên 58 bệnh nhân ở Strasbourg, Pháp, cho thấy trên một nửa bị lẫn hoặc bị kích động, và hình chụp não có dấu hiệu viêm.

“Bạn vẫn nghe đó là căn bệnh làm khó thở, nhưng nó cũng ảnh hưởng đến bộ phận chúng ta quan tâm nhất, đó là não”, S Andrew Josephson, Trưởng khoa thần kinh tại Đại học California, San Francisco nói với AFP.

“Nếu bạn bị lẫn, nếu bạn không thể suy nghĩ bình thường, đó là lý do nên tìm trợ giúp y tế”, ông nói thêm.

Virus 'tấn công' não như nào?

Việc SARS-CoV-2 tác động đến não và hệ thần kinh không quá ngạc nhiên, vì điều này từng được ghi nhận ở các virus khác, bao gồm HIV. HIV có thể gây suy giảm ý thức nếu không được điều trị, theo AFP.

Virus ảnh hưởng đến não theo hai cách, theo Michel Toledano, bác sĩ thần kinh tại phòng khám Mayo Clinic tại bang Minnesota, Mỹ.

Một là gây ra phản ứng miễn dịch quá mức, có tên gọi “bão cytokine”, gây viêm trong não - tức viêm não tự miễn (autoimmune encephalitis).

Hai là trực tiếp gây viêm não, tức viêm não virus (viral encephalitis). Điều đó xảy ra như thế nào? Não được bảo vệ nhờ “hàng rào máu não” (blook-brain barrier), có tác dụng ngăn các chất lạ. Nhưng màng này có thể bị xâm nhập.

Ngoài ra, vì mất khứu giác là một triệu chứng phổ biến của virus corona, một số ý kiến nêu giả thuyết rằng mũi có thể là đường dẫn đến não. Giả thuyết này chưa được kiểm chứng, nhưng đã phần nào trở nên kém thuyết phục khi nhiều bệnh nhân mất khứu giác sau đó lại không có triệu chứng nặng về thần kinh.

virus anh huong den nao anh 2

Mất phương hướng đến mức không biết đang ở đâu, bây giờ là năm nào là triệu chứng đang được nghiên cứu ở bệnh nhân Covid-19. Ảnh: AP.

Đối với virus corona, các bác sĩ tin rằng tác động thần kinh là kết quả của phản ứng miễn dịch quá mức, thay vì xâm nhập hàng rào máu-não, dựa vào các bằng chứng dịch tễ hiện có.

Để chứng minh hiện tượng xâm nhập, cần phát hiện virus trong dịch não tủy.

Virus trong não từng được ghi nhận trong một trường hợp, là nam thanh niên Nhật Bản 24 tuổi, theo một bài đăng trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm Quốc tế, theo AFP.

Thanh niên này có biểu hiện lẫn và co giật, còn hình chụp cho thấy não của anh ta bị viêm. Nhưng đó mới là trường hợp duy nhất được ghi nhận cho đến nay.

Hơn nữa, việc xét nghiệm virus trong chất dịch tủy sống chưa được kiểm chứng, nên các nhà khoa học vẫn thận trọng.

virus anh huong den nao anh 3

Khu chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân Covid-19 tại Liège, Bỉ. Ảnh: AP.

Cần thêm nghiên cứu

Tất cả dấu hiệu trên cho thấy cần có thêm nghiên cứu.

Bà Frontera, giáo sư Trường Y Đại học New York, là thành viên dự án nghiên cứu hợp tác quốc tế để chuẩn hóa việc thu thập dữ liệu. Nhóm của bà đang ghi nhận những ca bệnh Covid-19 có triệu chứng co giật một cách bất thường, dù không có tiền sử như vậy, kèm theo dấu hiệu các điểm xuất huyết não nhỏ.

Một ghi nhận đáng ngạc nhiên là ở người đàn ông tuổi ngoài 50 mà chất trắng - kết nối các tế bào não với nhau - bị ảnh hưởng đến mức tổn thương não.

Các bác sĩ bị bất ngờ và muốn lấy mẫu bằng cách chọc dò cột sống (kim được đưa vào ống sống, để lấy dịch não tủy).

virus anh huong den nao anh 4

Bệnh nhân được đưa vào viện ở Brooklyn, New York ngày 7/4. Ảnh: AP.

Chụp hình não và chọc dò cột sống là các thao tác y tế khó tiến hành đối với bệnh nhân đang phải thở máy. Và vì đa số bệnh nhân này sau đó tử vong, mức độ đầy đủ của tổn thương thần kinh chưa được rõ ràng.

Hiện các bác sĩ thần kinh đang được gọi tới để khám cho số nhỏ bệnh nhân sống sót sau khi phải thở máy.

“Chúng tôi đang khám cho nhiều bệnh nhân có triệu chứng lú lẫn”, Rohan Arora, bác sĩ thần kinh tại bệnh viện Long Island Jewish Forest Hills, nói với AFP, và cho biết 40% bệnh nhân Covid-19 hồi phục có dấu hiệu như vậy.

Vẫn chưa rõ tổn thương có lâu dài hay không, và bản thân việc phải vào chăm sóc đặc biệt (ICU) cũng đã là trải nghiệm gây lẫn, mất phương hướng, do nhiều yếu tố, bao gồm các loại thuốc mạnh.

Việc trở lại bình thường dường như sẽ lâu hơn với người từng bị đau tim hoặc đột quỵ, theo bác sĩ Arora.

Các quốc gia trên thế giới chiến đấu với dịch Covid-19 như thế nào? Trước tình hình dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, nhiều quốc gia tìm cách biến khách sạn trở thành bệnh viện và lắp thêm các buồng khử trùng nhằm tránh lây nhiễm virus corona.

Nguy cơ virus corona gây tổn thương ở tim, không chỉ ở phổi

Cho đến nay, tổn thương do virus corona mới chỉ được ghi nhận ở phổi. Nhưng những ca tổn thương tim ở Mỹ và trên thế giới đang dẫn đến những câu hỏi đầy bất an.

Làn sóng người Hàn dương tính lại với Covid-19 tăng dù đã hồi phục

Hơn 160 người Hàn Quốc xét nghiệm dương tính lần thứ hai với virus corona, cho thấy virus có thể tồn tại trên người lâu hơn dự tính, một khảo sát mới cho thấy.

Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm