Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết lệnh đưa các đại sứ trở lại Paris “ngay lập tức” được thực hiện theo yêu cầu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Guardian đưa tin ngày 18/9.
“Quyết định ngoại lệ này chính đáng vì mức độ đặc biệt nghiêm trọng của các tuyên bố do Australia và Mỹ đưa ra vào ngày 15/9”, ông Le Drian cho biết trong tuyên bố vào cuối ngày 17/9.
Đây là lần đầu tiên Pháp triệu hồi đại sứ nước này tại Mỹ.
Pháp tức giận trước quyết định hủy đơn đặt hàng tàu ngầm bất ngờ của Australia. Ảnh: Mick Tsikas. |
Trước đó, Mỹ, Anh và Australia đã công bố quan hệ đối tác ba bên nhằm tăng cường hợp tác an ninh, quân sự và ngoại giao, viết tắt là AUKUS. Theo thỏa thuận, Mỹ và Anh sẽ cung cấp cho Australia công nghệ và khả năng triển khai các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, Reuters đưa tin.
Điều này khiến Paris mất đi hợp đồng trị giá 90 tỷ AUD (tương đương 65 tỷ USD) mà Australia ký kết với công ty Naval Group của Pháp để chế tạo một hạm đội 12 tàu ngầm tấn công tối tân.
Naval Group cho biết thỏa thuận mới cho thấy Canberra mua các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân do Mỹ và Anh chế tạo, thay vì từ Pháp, là một "sự thất vọng lớn".
Dư luận Pháp rất tức giận và mô tả hiệp ước an ninh AUKUS, bao gồm cả thỏa thuận tàu ngầm, là hành động "đâm sau lưng".
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã gọi đây là hành vi không thể chấp nhận được giữa các đồng minh và đối tác.
“Hậu quả là việc này ảnh hưởng đến quan niệm về các liên minh, quan hệ đối tác của chúng ta và tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối với châu Âu”, ông Le Drian nói thêm.