Quốc hội Phần Lan ngày 1/3 thông qua dự luật gia nhập NATO với số phiếu áp đảo, Reuters đưa tin.
Trong số 200 nghị sĩ Phần Lan, 184 người bỏ phiếu thuận, 7 người bỏ phiếu chống và một người bỏ phiếu trắng. Nước này quyết tâm bỏ phiếu trước cuộc bầu cử Quốc hội mới dự kiến diễn ra vào tháng 4 tới nhằm tránh mọi gián đoạn.
Hiện tại, Helsinki chỉ cần đợi cái “gật đầu” từ Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.
Phần Lan và Thụy Điển đã cam kết “tay trong tay” tham gia liên minh quân sự này, nhưng đơn đăng ký của Thụy Điển đã bị Thổ Nhĩ Kỳ chặn lại. Vì vậy, nếu Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary sớm chấp nhận đơn của Phần Lan, Helsinki sẽ gia nhập NATO dù không có nước láng giềng Bắc Âu, theo New York Times.
Thái độ mập mờ
Sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, Phần Lan và Thụy Điển từ bỏ chính sách trung lập kéo dài hàng thập kỷ để xin gia nhập NATO.
Thổ Nhĩ Kỳ từng ám chỉ họ sẽ phê duyệt đơn của một nước trước, khi đề nghị Thụy Điển cần phải làm nhiều hơn nữa để đáp ứng lập trường chống khủng bố của nước này. Ankara cáo buộc các nước Bắc Âu, chủ yếu là Thụy Điển, tài trợ cho đối tượng họ coi là khủng bố, bao gồm các thành viên của đảng Công nhân người Kurd (PKK).
Trong cuộc họp báo hôm 28/2 ở Helsinki, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tin tưởng cả Thụy Điển và Phần Lan sẽ sớm gia nhập liên minh và các cuộc đàm phán ba bên mới sẽ diễn ra vào tuần tới tại Brussels.
Trong số 200 nghị sĩ Phần Lan, 184 người bỏ phiếu thuận, 7 người bỏ phiếu chống và một người bỏ phiếu trắng. Ảnh: Reuters. |
NATO hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary sẽ phê duyệt đơn đăng ký trước hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào giữa tháng 7 tại Vilnius, Litva. Quốc hội 28 thành viên đã chấp thuận đơn của cả hai quốc gia, nhưng tất cả 30 thành viên phải đồng ý.
Quốc hội Hungary bắt đầu tranh luận về vấn đề này vào hôm 1/3 và có thể hoàn tất bỏ phiếu trong tháng này. Trước đó, Thủ tướng Viktor Orban cho biết ông ủng hộ cả 2 đơn đăng ký, nhưng gần đây đề cập khả năng các thành viên Quốc hội từ đảng Fidesz cầm quyền có thể không ủng hộ.
Ông cho biết họ lo ngại việc kết nạp Phần Lan làm tăng nguy cơ xung đột, khi tạo ra đường biên giới mới của NATO với Nga kéo dài hơn 1.000 km, dài hơn nhiều so với các thành viên Estonia, Latvia và Ba Lan.
Hungary đã có nhiều lần sử dụng quyền phủ quyết trong Liên minh châu Âu chống lại các biện pháp trừng phạt Nga để dành được các nhượng bộ khác. New York Times cho rằng có khả năng nước này sẽ làm điều tương tự trước việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.
Ông Orban thể hiện hai thái độ, một mặt vị thủ tướng ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, mặt khác ông lại đề cập chuyện 2 quốc gia này “lan truyền những lời nói dối trắng trợn về chúng tôi”. Trước đó, các chính trị gia Hungary phàn nàn Thụy Điển và Phần Lan đã công khai chỉ trích việc Hungary "lạm dụng pháp quyền".
“Có thể nào một bên muốn trở thành đồng minh quân sự nhưng lại đang lan truyền những lời dối trá về Hungary không?”, ông Orban nói vào tuần trước.
Ngoài ra, ông Orban cũng muốn giữ mối quan hệ với Nga, khi Hungary vẫn phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Moscow.
Vị thế mới của Phần Lan
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nói rất ít khả năng Quốc hội Hungary, trong đó đảng Fidesz chiếm đa số, sẽ chặn đơn gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Reuters hôm 2/3 đưa tin nhóm nghị sĩ đảng Fidesz thông báo sẽ ủng hộ nỗ lực phê chuẩn đơn gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển.
Mở đầu cuộc tranh luận chung vào hôm 1/3, cả Tổng thống Katalin Novak và quan chức Bộ Ngoại giao đều kêu gọi các nhà lập pháp phê duyệt đơn "càng sớm càng tốt".
Vào tuần trước, Mate Kocsis - người đứng đầu cuộc họp kín của đảng Fidesz tại Quốc hội - cho biết cơ quan lập pháp sẽ cử một phái đoàn đến Phần Lan và Thụy Điển để lấy “thông tin”, giúp các nhà lập pháp có thể đưa ra quyết định sáng suốt. Sau đó, ông nói khả năng chống lại yêu cầu từ Phần Lan và Thụy Điển là rất thấp.
Nếu Hungary chấp thuận cả 2 đơn đăng ký, còn Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đồng ý Phần Lan vào lúc này, thì Ankara sẽ miễn cưỡng gia nhập NATO mà không có Stockholm.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin hôm 28/2. Ảnh: Lehtikuva/Heikki Saukkomaa/Reuters. |
Hồi cuối tháng 2, Tổng thống Sauli Niinisto nói Phần Lan sẽ gia nhập NATO nếu nước này nhận được chấp thuận của toàn bộ thành viên, bất kể tiến triển của Thụy Điển trong việc gia nhập liên minh. Tuy nhiên, ông cũng nói tuyên bố này không có nghĩa Phần Lan bỏ rơi nước láng giềng.
Trong khi đó, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson khẳng định vì những lý do chiến lược, đơn xin gia nhập NATO của nước này cùng Phần Lan cần được thông qua cùng lúc.
“Phần Lan và Thụy Điển cung cấp đảm bảo an ninh. Chúng tôi có khả năng làm điều này tại khu vực của mình, giúp tất cả thành viên NATO hưởng lợi, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Kristersson nói.
Theo ông Stoltenberg, trong mọi trường hợp, Phần Lan và Thụy Điển đang ở một vị thế tốt hơn nhiều so với trước khi nộp đơn gia nhập liên minh.
“Với tư cách là người được mời, Phần Lan và Thụy Điển đã chung thuyền với NATO, kết hợp vào các cấu trúc quân sự và dân sự của NATO. Họ cũng nhận được đảm bảo an ninh song phương. Vì vậy, không thể có chuyện Phần Lan và Thụy Điển đối mặt với mối đe dọa mà NATO không phản ứng”, ông nói.
Charly Salonius-Pasternak - nhà phân tích tại Viện Các vấn đề Quốc tế Phần Lan - cho biết sau cuộc bỏ phiếu, “Phần Lan chưa bao giờ ở vị trí quân sự tốt và an toàn như vậy”.
“Trụ cột quốc phòng của Phần Lan, hợp tác song phương và đa phương đã được củng cố. Chúng ta đã nhận được những cam kết an ninh từ các nước thành viên NATO”, ông nói với đài Yle. “Suy nghĩ của chúng ta đã có sự thay đổi về mặt văn hóa, khi chúng ta không còn đơn độc nữa”.
Những cuốn sách hay về châu Âu
Zing giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về châu Âu, khu vực có bề dày lịch sử được mệnh danh là "lục địa già".
Độc giả có thể xem thêm tại đây.