"Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ quyết định đơn phương cấm đánh bắt cá của Trung Quốc bởi chúng xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên các vùng biển của mình", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 4/5.
Bà Hằng nhấn mạnh quy định này của phía Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan, đi ngược lại với tinh thần và lời văn trong Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002, không phù hợp với xu thế phát triển của quan hệ hai nước trong bối cảnh hiện nay, không có lợi cho hòa bình và an ninh khu vực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Ảnh:Tiến Tuấn. |
Người phát ngôn nêu rõ Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình ở quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam, được xác định phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, bắt đầu từ 12h ngày 1/5 đến 15/8, trong phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả khu vực vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough.
Lệnh cấm trên áp dụng với cả ngư dân Trung Quốc và ngư dân các nước khác. Trung Quốc ngang ngược khẳng định tăng cường sử dụng tàu chấp pháp để "giám sát, tuần tra, bắt giữ và xử phạt các hành vi vi phạm".
Hội Nghề cá Việt Nam cũng đã phản đối hành động này của phía Trung Quốc sau khi có thông tin lệnh cấm trên được ban hành.
Từ năm 1999, Trung Quốc đều tự ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, nơi nước này tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ diện tích, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và các nước trong khu vực.