Dự thảo tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30 đã được thay thế bằng một dự thảo mới, bổ sung vấn đề về các hoạt động quân sự hóa và bồi lấp đảo nhân tạo trên Biển Đông.
Reuters ngày 29/4 dẫn lời hai nguồn tin ngoại giao từ ASEAN cho biết đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã tìm cách gây ảnh hưởng lên tuyên bố chung thông qua việc vận động hành lang các quan chức Philippines.
Tuy nhiên, bốn nước thành viên ASEAN phản đối việc bỏ đi cụm từ "cải tạo đất và quân sự hóa". Nội dung này xuất hiện trong tuyên bố chung sau hội nghị năm 2016 tại Lào nhưng ban đầu không được nhắc tới trong dự thảo tuyên bố chung của hội nghị năm nay.
Lãnh đạo các quốc gia thành viên ASEAN tham dự hội nghị cấp cao lần thứ 30. Ảnh: Reuters. |
Reuters cho biết không thể liên lạc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila trong khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa đáp lại yêu cầu bình luận về thông tin này.
Các tuyên bố của ASEAN về Biển Đông thường không nêu đích danh Trung Quốc. Reuters nhận định Bắc Kinh thường "cực kỳ nhạy cảm" với những từ ngữ mà họ xem là ám chỉ các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.
7 bãi đá Trung Quốc đang xây dựng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đồ họa: Wall Street Journal. |
Lãnh đạo các nước thành viên ASEAN vẫn chưa đi đến tuyên bố chung chính thức. Dù vậy, động thái trên cho thấy các nước trong khu vực đã phản ứng lại động thái vận động hành lang của Bắc Kinh.
Bộ máy vận động hành lang của Trung Quốc, cùng mối quan hệ đang tiến triển tốt giữa Bắc Kinh và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, có thể không đủ mạnh để áp đặt quan điểm lên Philippines, nước chủ nhà của hội nghị cấp cao năm nay.
"Philippines đang chịu rất nhiều áp lực", một trong hai nguồn tin nói với Reuters.
Một nguồn tin cũng tiết lộ rằng các quan chức Trung Quốc không muốn xuất hiện bất cứ cụm từ nào có liên quan đến phán quyết của Tòa Thường trực của Liên Hợp Quốc về vụ kiện do Philippines khởi xướng, cụ thể là cụm từ "tôn trọng hoàn toàn đối với các quy trình pháp lý và ngoại giao".
Cụm từ trên vẫn xuất hiện trong dự thảo tuyên bố chung, dù nó được đưa ra khỏi phần nói về tình hình Biển Đông.