Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tổng thư ký ASEAN lên tiếng sau khi Triều Tiên cầu cứu

Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh nói rằng lập trường của ASEAN đối với vấn đề Triều Tiên luôn rõ ràng, nhất quán. Ông kêu gọi các bên giảm thang căng thẳng và nối lại đàm phán.

Trong cuộc phỏng vấn với Channel News Asia ngày 28/4, Tổng thư ký Lê Lương Minh nhắc lại lập trường của ASEAN về kêu gọi giảm căng thẳng, thúc đẩy giải trừ hạt nhân và nối lại đàm phán 6 bên.

Cuộc đàm phán 6 bên, bao gồm Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga, đình trệ từ năm 2008 sau một vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng.

Trieu Tien cau cuu ASEAN anh 1
Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh. Ảnh: AFP.

Câu trả lời của Tổng thư ký Minh có thể coi là câu trả lời cho yêu cầu giúp đỡ trước đó của Bình Nhưỡng. Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho đã gửi thư đến ông Minh cảnh báo rằng bán đảo Triều Tiên đang bên bờ vực chiến tranh vì các hành động của Mỹ.

“Tôi bày tỏ kỳ vọng rằng ASEAN, với tầm quan trọng to lớn trong sự ổn định và hoà bình khu vực, sẽ đưa ra quan điểm về những cuộc tập trận Mỹ - Hàn ở các hội nghị của ASEAN một cách khách quan và chủ động”, Bộ trưởng Ri viết trong thư.

Một nhà ngoại giao từ ASEAN nói việc gửi thư "cầu cứu" của Triều Tiên là “vô cùng bất thường”. Theo ông, đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng tìm kiếm sự ủng hộ từ ASEAN trong vấn đề này.

Tuyên bố của các ngoại trưởng tại phiên họp của các ngoại trưởng ASEAN ngày 28/4 bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về những diễn biến ở Triều Tiên. Vấn đề Triều Tiên cũng sẽ là một trong những chủ đề bàn thảo trong hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30 vào ngày 29/4.

 

"ASEAN bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về sự leo thang căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên, trong đó có việc Triều Tiên hai lần thử hạt nhân trong năm 2016 và các cuộc thử tên lửa đạn đạo sau đó", tuyên bố của các ngoại trưởng nêu rõ.

"ASEAN hiểu rằng bất ổn ở bán đảo Triều Tiên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới trong và ngoài khu vực".  

Trieu Tien cau cuu ASEAN anh 2
Căng thẳng đang gia tăng liên tục tại bán đảo Triều Tiên. Các cuộc tập trận của Hàn Quốc - Mỹ và Triều Tiên liên tục diễn ra. Trong ảnh, xe tăng Mỹ - Hàn Quốc trong cuộc tập trận ngày 21/4. Ảnh: Reuters.

Trong quá khứ, ASEAN từng lên tiếng về tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Tuyên bố chung được công khai tại hội nghị cấp cao ASEAN năm 2016 ở Lào cho biết các lãnh đạo “lo ngại nghiêm trọng” về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, kêu gọi nước này tuân thủ những nghị quyết của Liên Hợp Quốc.

Nhắc đến tình hình tranh chấp trên Biển Đông, tổng thư ký ASEAN cho biết Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN đã thống nhất theo đuổi bộ khung của Bộ quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC). Dù cho biết việc thương thảo vẫn đang diễn ra, ông Minh cũng nói rằng các nước trông đợi COC sẽ được hoàn tất trong phiên họp vào tháng 5 tới.

"Về phần ASEAN, chúng tôi cho rằng một dự thảo nên xác lập một bộ quy tắc có giá trị với những nguyên tắc thiết yếu", tổng thư ký ASEAN cho biết.

Hashtag tuần qua: Triều Tiên bên bờ vực chiến tranh Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa hạ nhiệt sau hàng loạt cuộc khẩu chiến. Nguy cơ xung đột giữa Washington và Bình Nhưỡng vẫn rất cao.

Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng đánh chìm tàu sân bay Mỹ

Khi nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson sắp đến bán đảo Triều Tiên, Bình Nhưỡng tuyên bố ngày 23/4 rằng sẵn sàng không kích nhấn chìm tàu Mỹ để khẳng định sức mạnh.

Triều Tiên cầu cứu ASEAN trong căng thẳng với Mỹ

Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên gửi thư đến tổng thư ký ASEAN để kêu gọi sự ủng hộ từ các nước thành viên nhằm chống lại Mỹ, qua đó ngăn chặn một cuộc xung đột hạt nhân.

Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm