Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Tuyên bố sau khi kết thúc hội nghị cấp cao ASEAN tại Manila vừa qua không đề cập tới các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
"Tuyên bố của Philippines với tư cách là chủ tịch ASEAN đã nêu được quan điểm nhất quán của ASEAN về Biển Đông. Cụ thể là các nước có trách nhiệm hợp tác duy trì hòa bình và ổn định, an ninh và tự do hàng không, hàng hải trên Biển Đông, kiềm chế không đe dọa và sử dụng vũ lực, tôn trọng đầy đủ các quá trình pháp lý và ngoại giao, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển UNCLOS (1982), thực hiện đầy đủ tuyên bố của các bên trên Biển Đông (DOC), hướng tới Bộ quy tắc ứng xử (COC)", người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Bà Hằng cho biết thêm đây là tuyên bố của Chủ tịch ASEAN là Philippines, vì vậy nội dung được tham vấn và đề cập như thế nào là do Chủ tịch quyết định.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Người phát ngôn cũng khẳng định rằng vấn đề Biển Đông cũng như những diễn biến gần đây ở vùng biển này đã được đề cập trong Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30 tại Manila, Philippines. Các nước thành viên đều khẳng định sẽ thực hiện đầy đủ Tuyên bố của các bên trên Biển Đông (DOC) và hướng tới mục tiêu ký kết Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Trước đó, kết thúc Hội nghị cấp cao ASEAN tại Manila, Phlippines, các quốc gia thành viên nhận được bản tuyên bố đề cập đến "những quan ngại của một số lãnh đạo về các diễn biến gần đây trong khu vực" và kêu gọi "tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình".
Tuyên bố không đề cập đến hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông cũng như phán quyết của toà trọng tài quốc tế về vụ Philippines kiện Trung Quốc trên Biển Đông.
Đây cũng là lần đầu tiên tuyên bố được phát vào ngày sau phiên bế mạc một hội nghị cấp cao của ASEAN. Hôm 29/4, Reuters đưa tin bản dự thảo của tuyên bố này có đề cập tới tình hình Biển Đông bất chấp các nỗ lực vận động hành lang để phản đối của Trung Quốc.
Lãnh đạo các quốc gia thành viên ASEAN tham dự hội nghị cấp cao lần thứ 30. Ảnh: Reuters. |
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên phần lớn lãnh thổ Biển Đông, nơi có nguồn tài nguyên phong phú và là tuyến đường hàng hải quan trọng.
Trong vài năm qua, Trung Quốc đã triển khai bệ phóng tên lửa đất đối không và chiến đấu cơ đến đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc cũng bồi lấp trái phép các thực thể tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, khiến các nước trong và ngoài khu vực lo ngại.
Tại Hội nghị cấp cao lần thứ 30 hôm 29/4, lãnh đạo các nước ASEAN bày tỏ quan ngại về tình hình ở Biển Đông và kêu gọi các bên liên quan duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Zing.vn trước thông tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm chính thức Mỹ trong thời gian tới, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết Thủ tướng đã nhận được lời mời chính thức của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào giữa tháng 4.
"Nội dung cụ thể của chuyến thăm đang được Việt Nam và Mỹ thu xếp", người phát ngôn cho biết.
Đề cập tới quan điểm của Việt Nam đối với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi 11 quốc gia còn lại đang bàn thảo về tương lai của Hiệp định không có sự tham gia của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định:
"Việt Nam coi việc tham dự TPP cũng như các hiệp định tự do thương mại (FTA) là một trong các bước triển khai chủ trương hội nhập tích cực và chủ động kinh tế quốc tế sâu rộng và toàn diện. Việt Nam sẽ tiếp tục quá trình đổi mới, đẩy mạnh chuẩn bị trong nước để đảm bảo hiệu quả thực thi các cam kết FTA mà Việt Nam tham gia".
"Việt Nam cũng sẽ cùng các nước TPP thảo luận và thống nhất các định hướng trong tương lai", bà Hằng nói thêm.