Sau khi đặc vụ của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) khám xét khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Palm Beach, Florida, cựu Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã lên Twitter để phản đối.
“Hành động ngày hôm qua làm tổn hại tới lòng tin của công chúng vào hệ thống tư pháp”, ông viết. “Nhiều năm trôi qua sau khi các nhân viên FBI bị phát hiện hành động với động cơ chính trị, việc Bộ Tư pháp tiếp tục có hành động mang tính đảng phái cần được giải quyết”. (Dù vậy, cuộc khám xét của FBI đã được tòa án cho phép).
Điều đáng chú ý là quan hệ giữa ông Pence và ông Trump đã rạn nứt trong những tháng qua, và phản ứng của ông Pence cũng cho thấy thái độ chủ đạo trong nhóm cử tri bảo thủ của Mỹ. Điều này cho thấy những nỗ lực bêu xấu FBI nhiều năm qua của ông Trump đã có tác dụng.
Cáo buộc không ngớt
Chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 đánh dấu lần đầu tiên ông Trump chê trách FBI. Vị ứng viên của đảng Cộng hòa khi đó chỉ trích cơ quan điều tra vì không khởi tố hình sự đối thủ Hillary Clinton của đảng Dân chủ, liên quan tới bê bối sử dụng email cá nhân trong công việc.
Sau khi trở thành tổng thống, ông Trump tiếp tục “chĩa mũi dùi” vào FBI khi cáo buộc cuộc điều tra về nghi án Nga can thiệp bầu cử là “có động cơ chính trị”. Ông thậm chí gọi đây là một “cuộc săn phù thủy”, theo Washington Post.
Lập luận này tiếp tục được ông Trump và các đồng minh củng cố trong nhiều năm qua. Đặc biệt, sau khi vụ việc một số quan chức cấp cao FBI nhắn tin nói xấu ông Trump bị hé lộ năm 2018, nó càng có thêm sức nặng.
Ông Trump từng nhiều lần cáo buộc các hành động của FBI có động cơ chính trị. Ảnh: AFP. |
Tuy vậy, luận điểm này đã bị bác bỏ bởi các quy trình thẩm tra nội bộ cùng một báo cáo của Bộ Tư pháp Mỹ năm 2019.
Báo cáo này tuyên bố không có bất cứ “chứng cứ nào dưới dạng văn bản hay lời nói cho thấy sự thiên lệch về chính trị hay động cơ không chính đáng” đã tác động tới quyết định điều tra các nhân vật thân cận với ông Trump.
Việc cáo buộc FBI có động cơ chính trị giúp ông Trump đảm bảo rằng những người ủng hộ mình, cũng như các cơ quan truyền thông bảo thủ đồng minh, cũng sẽ đặt ra nghi ngờ với các cuộc điều tra.
Bên cạnh đó, nếu FBI khởi động các cuộc điều tra mới, đội ngũ của ông Trump cũng sẽ có thể sử dụng sự nghi ngờ để đáp trả.
Thổi bùng giận dữ
Sau khi FBI khám xét dinh thự của ông Trump hôm 8/8, phe Cộng hòa Mỹ có hai lựa chọn: Chờ đợi giới chức công bố nguyên nhân của quyết định khám xét rồi đưa ra đánh giá, hoặc phản đối ngay lập tức.
Họ đã lựa chọn cách thứ hai: Nhanh chóng đặt ra nghi ngờ về vụ khám xét. Sau ông Trump, các quan chức đảng Cộng hòa liên tục lên mạng xã hội để bình luận về hành động của FBI.
Họ hoàn toàn có động cơ cá nhân khi làm điều này: Nếu sự chỉ trích càng gay gắt, họ càng có thể thu hút sự chú ý, có thêm người theo dõi, kể cả gia tăng danh tiếng.
Một số chính trị gia - bao gồm cả ông Trump - thậm chí sử dụng vụ khám xét để thu hút tiền tài trợ từ những người ủng hộ. “Một lần nữa họ lại đang cố gắng ngăn chặn đảng Cộng hòa và tôi”, ông Trump nói trong một email gây quỹ được gửi đi ngày 9/8. “Sự vô pháp, thói bức hại chính trị cùng cuộc săn phù thủy cần bị vạch trần và ngăn chặn”.
Một cựu cố vấn của ông Trump nhận định với Politico rằng vụ khám xét có thể đoàn kết các phe phái khác nhau trong đảng Cộng hòa. Lúc này, họ có một mục tiêu chung: Phản đối FBI.
Cả phe thân ông Trump lẫn phe ít ủng hộ vị cựu tổng thống hơn - như ông Pence hay Thống đốc bang Florida Ron DeSantis, người được coi là đối thủ đáng gờm của ông Trump nếu hai người cùng ra tranh cử năm 2024 - đều lên tiếng phản đối.
Đám đông biểu tình ủng hộ ông Trump sau khi khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago bị FBI khám xét. Ảnh: AFP. |
Chiến lược của ông Trump
Một chiến lược giúp ông Trump nhận được nhiều sự ủng hộ trong vụ việc vừa qua là coi đây như âm mưu của “phe Dân chủ cực tả”. Đây là lập luận có sức hấp dẫn với nhiều cử tri đảng Cộng hòa.
Theo số liệu khảo sát của YouGov-Economist, hơn ba phần tư đảng viên Cộng hòa vẫn có quan điểm tích cực với ông Trump - chỉ giảm nhẹ so với thời kỳ đỉnh cao năm 2020. Trong khi đó, chưa đầy 20% số người được hỏi có quan điểm tích cực với đảng Dân chủ.
Đây dường như là một phần chiến lược của ông Trump: Đào sâu mâu thuẫn đảng phái để thúc đẩy sự trung thành của các cử tri cánh hữu. Các đảng viên Cộng hòa có thể không thích ông Trump năm 2016, nhưng họ vẫn chọn ông thay vì bà Clinton.
Qua nhiều năm, sự yêu thích với ông Trump đồng nghĩa với sự thù ghét phe đối lập. Khi cáo buộc FBI thuộc phe cánh tả, các chính trị gia sẽ nhận được sự ủng hộ của phe cánh hữu. Do đó, dù mối quan hệ đã phần nào nguội lạnh, ông Pence cũng lên tiếng bảo vệ ông Trump sau vụ khám xét để thu hút thêm lá phiếu của cử tri.
Ông Trump đã dành nhiều thời gian và công sức để cáo buộc FBI là cơ quan không đáng tin cậy. Ông thậm chí bỏ thêm nhiều công sức để duy trì sự trung thành của các cử tri. Những gì xảy ra sau vụ khám xét hôm 8/8 cho thấy dường như ông đã thành công.