Ngày 6/5, ghi nhận của VietNamNet, hai ngày sau khi được gia hạn, bến phà Cần Thơ tiếp tục dán thông báo tạm dừng hoạt động. Ba chiếc phà với tải trọng từ 70-100 tấn neo đậu tại bến, hơn 10 nhân viên soát vé, tài công, thợ máy ngừng làm việc.
Phía bên kia bờ sông Hậu, bến phà Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) cũng "chung số phận". Hàng trăm người dân tới bến đều tỏ ra bức xúc vì phải quay đầu.
Không thể đi vòng gần 20km, qua cầu Cần Thơ như xe máy, nhiều chị em phụ nữ đi xe đạp, đi bộ liều mình chọn cách đợi ghe, xuồng máy băng qua sông Hậu về nhà sau ngày làm việc vất vả.
Phà dừng hoạt động, người dân đánh liều đi ghe, xuồng máy qua sông Hậu. |
“Nhà tôi ở thị xã Bình Minh, nhưng làm mướn ở quận Bình Thuỷ (TP Cần Thơ), cách hơn 30km. Với chừng ấy cây số, tôi không thể đi xe đạp qua cầu Cần Thơ”, chị Huỳnh Kim Loan (55 tuổi) chia sẻ.
Trong khi giá vé đi phà người đi bộ 3.000 đồng, xe đạp 5.000 đồng thì nay người dân qua lại hai bên sông phải đi ghe, xuồng với giá gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần. Điều đáng quan tâm, có phương tiện không trang bị phao cứu sinh, chất lượng phương tiện cũng đang xuống cấp.
Việc sử dụng ghe, xuồng, không áo phao qua sông tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. |
Chủ bến phà Cần Thơ cho biết, ngày 4/5, Phòng Quản lý đô thị (QLĐT) quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ có gửi văn bản chấp thuận cho bến phà hoạt động đến hết tháng 6/2024, trùng với thời gian giấy phép của bến phà Bình Minh. Trong thời gian này, phòng cũng đề nghị chủ bến đò nhanh chóng bổ sung hồ sơ, hoàn thiện thủ tục pháp lý để cấp giấy phép mới, hoạt động đảm bảo đúng quy định.
“Trưa 6/5, bến phải dừng hoạt động theo yêu cầu của lực lượng CSGT đường thuỷ thành phố. Họ nói văn bản của phòng QLĐT không có hiệu lực, mà phải có văn bản của UBND quận”, chủ bến phà thông tin.
Chủ ghe vận chuyển xe đạp lên bờ cho hàng khách. |
Như đã đưa tin, Bến đò ngang - thường gọi là Bến phà Cần Thơ - từ quận Ninh Kiều qua thị xã Bình Minh là tuyến giao thông qua sông Hậu, nối các quận Ninh Kiều, Bình Thuỷ với thị xã Bình Minh và huyện Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long).
Bến phà đi vào hoạt động từ năm 2011. Mỗi ngày, bến phục vụ hàng nghìn lượt người qua lại, chủ yếu phục vụ công nhân, tiểu thương và nhiều nhất là bà con lao động nghèo từ tỉnh Vĩnh Long qua Cần Thơ mưu sinh.
Bến phà Cần Thơ tạm ngưng hoạt động ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống, sinh hoạt của người dân hai bên bờ sông Hậu. Ảnh chụp chiều ngày 2/5. |
Sau hai lần được Sở GTVT thành phố và UBND quận Ninh Kiều gia hạn giấy phép hoạt động. Cuốitháng 1 vừa qua, quận cho rằng có nhiều quy định mới, một số nội dung trong giấy phép đã cấp không còn phù hợp, nên chỉ gia hạn hết tháng 3/2024.
Từ 8h30 sáng 3/5, bến phà Cần Thơ đã tạm dừng hoạt động cho tới khi có thông báo mới.
Lãnh đạo Phòng QLĐT quận Ninh Kiều cho biết, trong quá trình kiểm tra, rà soát hồ sơ, đơn vị nhận thấy tính pháp lý về đất đai của bến chưa rõ ràng. Cụ thể phần diện tích hàng trăm m2 đất và đường dẫn vào bến phà này hiện vẫn do Công ty cổ phần quản lý khai thác cầu Cần Thơ (Công ty cầu Cần Thơ) quản lý, khai thác.
Tuy nhiên, trong phương án của Bộ GTVT năm 2014 về việc xử lý, sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu của công ty cầu Cần Thơ lại không thể hiện diện tích đất này.
Chính vì vậy, đất tại bến phà Cần Thơ vẫn thuộc quyền của Bộ GTVT nên hợp đồng giữa công ty và chủ bến phà không đảm bảo tính pháp lý.
Thực trạng giao thông, văn hóa ứng xử của người tham gia, văn hóa quản lý, điều hành giao thông, các vấn đề liên quan tới quy hoạch và giải pháp xây dựng giao thông Việt Nam trong tương lai đều được PGS.TS. Phạm Ngọc Trung đề cập tới trong cuốn Văn hóa giao thông ở Việt Nam hiện nay.